Tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA đối với Việt Nam

(Ngày Nay) - Biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là các công cụ chính sách thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Các biện pháp phòng vệ thương mại hiện được xem là công cụ nhằm duy trì trật tự thương mại một cách công bằng, hợp lý cho các nước thành viên khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA đối với Việt Nam

Các biện pháp phòng vệ thương mại 

- Biện pháp chống bán phá giá: áp dụng khi doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài bán hàng hóa xuất khẩu thấp hơn giá của hàng hóa tương tự được bán tại thị trường của nước xuất khẩu.

- Biện pháp chống trợ cấp: áp dụng khi chính phủ của nước xuất khẩu cung cấp tài chính hỗ trợ cho  doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

- Biện pháp tự vệ: áp dụng khi có sự tăng trưởng nhập khẩu đột biến của một mặt hàng.

Điểm chung của ba loại biện pháp này là chỉ được áp dụng khi các hiện tượng/hành vi trên gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu. Điểm khác biệt là biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp được xem là áp dụng với các hành vi cạnh tranh không công bằng; trong khi biện pháp tự vệ được xem là áp dụng với các hành vi cạnh tranh chưa được kết luận là không công bằng nên riêng biện pháp tự vệ được xem là có tính chất bảo hộ.

Hiện nay, các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều đã có điều khoản về PVTM. Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản đối với thương mại và các thành viên tham gia FTA đều kỳ vọng sẽ hạn chế, hoặc không áp dụng các biện pháp PVTM trong nội khối. Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp PVTM, vì các ngành sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ khị cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Theo thống kê, đến nay, tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó 12 FTA đang thực thi (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - NewZealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Trong các FTA kể trên, CPTPP và EVFTA được coi là FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực phi thương mại.

Về PVTM, các FTA thế hệ mới có nhiều điểm kế thừa và phát huy, nội dung quy định chặt chẽ hơn so với các FTA trước đó. Chẳng hạn như: CPTPP khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định về biện pháp tự vệ của WTO, tuy nhiên, bổ sung thêm một quy trình tự vệ mới bên cạnh quy trình tự vệ theo WTO. Theo đó, các nước có thể duy trì 02 nhóm biện pháp tự vệ bao gồm: Tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).

Về biện pháp tự vệ toàn cầu, chương PVTM trong Hiệp định CPTPP bổ sung thêm quy định mang tính WTO+, đó là khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, một nước thành viên có thể loại trừ hàng hóa nhập khẩu từ một nước thành viên CPTPP khác trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó không phải là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng.

Với cam kết CPTPP, một nước CPTPP khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ các sản phẩm có xuất xứ mà áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc nằm trong danh mục cắt giảm thuế của nước đó nếu việc nhập khẩu các hàng hoá này không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó. Nói cách khác, khi một nước CPTPP áp dụng một biện pháp tự vệ toàn cầu, thì có thể loại trừ không áp dụng đối với các hàng hoá có xuất xứ từ một nước CPTPP khác.

Tác động của các biện pháp PVTM trong các FTA đối với Việt Nam

Về tích cực

Trong các vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam đã xử lý thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua nhiều hoạt động như: (i) cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; (ii) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng; (iii) cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc, có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp; (iv) tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; (v) tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra về chống trợ cấp, tình hình thị trường đặc biệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực. Trong đó, đã kháng kiện thành công đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm. tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO , trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực. Hiện nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xử lý 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra và Chương trình Giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ (DS536, DS540).

Tính đến hết tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 11 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thép và một số sản phẩm khác như kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường lỏng. Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 08 biện pháp chống bán phá giá , 05 biện pháp tự vệ  và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Với những vụ việc và biện pháp PVTM đã áp dụng, Việt Nam đang thể hiện sự chủ động nhất định trong việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Qua theo dõi hiệu quả của các biện pháp PVTM cho thấy các biện pháp đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam năm 2019.

Về thách thức

- Đối mặt với nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM: Cùng với khả năng sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp (DN) có năng lực xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Khi các nước đối tác FTA cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ điều này, tuy nhiên, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Điều này càng có cơ sở khi các đối tác FTA của Việt Nam nằm trong số những nước sử dụng công cụ PVTM nhiều nhất trên thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...).

- Gia tăng nghĩa vụ khi điều tra áp dụng các biện pháp PVTM: Hiện nay, một số FTA thế hệ mới đã quy định chặt chẽ hơn trong việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với đối tác FTA (cao hơn so với quy định WTO). Do vậy, bên cạnh việc phải có một hệ thống văn bản pháp luật tương thích và phù hợp, cơ quan điều tra của Việt Nam còn phải tuân thủ các nghĩa vụ bắt buộc trong các FTA với các đối tác. Chẳng hạn như Việt Nam phải tuân thủ thực hiện các quy định về nguyên tắc thuế thấp hơn, lợi ích công cộng, gia tăng các nghĩa vụ thông báo, tham vấn, cung cấp các thông tin, chế độ bảo mật thông tin…

- DN Việt Nam chưa sử dụng hoặc ứng phó với các biện pháp PVTM một cách hiệu quả: Thực tế cho thấy, nhiều DN xuất khẩu còn bị động, chưa thực sự nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra PVTM cũng như hệ quả bất lợi của các vụ việc này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN và thậm chí là của cả ngành. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị, ứng phó với các vụ điều tra PVTM...

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thường tập trung ở một số quốc gia có pháp luật và thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được xây dựng và phát triển như: Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Mê-xi-cô, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, EU, Nga, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Hàn Quốc, Nam Phi, Ai Cập.

Trong số các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá có số lượng nhiều nhất. Theo thống kê của WTO từ năm 1995 đến hết năm 2019, các thành viên WTO đã khởi xướng 5.944 vụ việc điều tra CBPG, 577 vụ việc điều tra CTC và 377 vụ việc điều tra tự vệ. Trong số đó, các nước kết luận áp dụng 3.958 biện pháp CBPG, 320 biện pháp CTC và 185 biện pháp tự vệ. Trong số đó, Ấn Độ là thành viên tích cực sử dụng biện pháp CBPG và tự vệ nhất (706 biện pháp CBPG và 22 biện pháp tự vệ), Hoa Kỳ là thành viên tích cực sử dụng biện pháp CTC nhất (160 biện pháp). Ngoài ra, các thành viên nhiều kinh nghiệm trong điều tra áp dụng các biện pháp PVTM gồm có: EU, Canada, Úc, Brazil.

Xét theo nhóm sản phẩm, nhóm ngành kim loại (sắt, thép, nhôm...) bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM với 1.289 biện pháp CBPG, 159 biện pháp CTC và 49 biện pháp tự vệ.

Công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM

Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” (Đề án) để tạo khuôn khổ đồng bộ, tổng thể cho các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.

Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao thông qua việc ban hành các Kế hoạch hành động, thành lập các Tổ công tác, triển khai thực hiện quyết liệt trên thực tế. Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ của các doanh nghiệp, khuyến cáo các doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian dối.

Để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh PVTM, sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM để gửi các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.

MỘT SỐ CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

1. Biện pháp phòng vệ thương mại có thể áp dụng ngay lập tức khi có đề nghị của các doanh nghiệp trong nước?

- SAI.

- Bộ Công Thương chỉ có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sau khi đã thực hiện quy trình điều tra theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định 10/2018/NĐ-CP và phù hợp với các cam kết quốc tế. Thông thường, một vụ việc điều tra có thể có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời sau khoảng 4-5 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra và có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức sau khoảng 9-12 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra. Đối với những vụ việc phức tạp, thời gian ra quyết định áp dụng biện pháp có thể kéo dài lâu hơn.

2. Doanh nghiệp chỉ cần có công văn đề nghị là Bộ Công Thương có trách nhiệm khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại?

- SAI.
 
- Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định 10/2018/NĐ-CP và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bên yêu cầu phải nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và cung cấp các bằng chứng chứng minh cho các cáo buộc của mình.

3. Việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ lợi ích cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp?

- SAI. 

- Việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ lợi ích cho một ngành sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp đứng đơn yêu cầu điều tra phải đáp ứng tỷ lệ đại diện của ngành sản xuất trong nước theo quy định của pháp luật. Việc đánh giá thiệt hại của Cơ quan điều tra dựa trên số liệu của ngành sản xuất trong nước.

4. Các biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu giành cho các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và rất khó để các doanh nghiệp nhỏ có thể tập hợp và đáp ứng các yêu cầu nộp Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

- SAI. 

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thông qua các Hiệp hội để tập hợp các doanh nghiệp cùng tham gia để đáp ứng các yêu cầu nộp Hồ sơ. Thực tiễn trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa về các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ cho một ngành sản xuất chứ không phải một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp cụ thể.

5. Các vụ việc điều tra đều sẽ dẫn tới việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại?

- SAI.

- Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có trách nhiệm phải xem xét, đánh giá các thông tin, bằng chứng, số liệu do tất cả các bên cung cấp. Chỉ khi Cơ quan điều tra xác định rằng các thông tin, bằng chứng, số liệu này cho thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được thỏa mãn, Cơ quan điều tra mới kiến nghị việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, một số vụ việc điều tra cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã đi đến kết luận không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

6. Quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể toàn quyền áp dụng biện pháp mà không chịu sự ràng buộc gì? 

- SAI.

- Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chịu sự điều chỉnh của các cam kết quốc tế mà quốc gia đó tham gia, trong đó cụ thể nhất là quy định trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (Hiệp định Chống bán phá giá, Hiệp định Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng, Hiệp định Tự vệ) cũng như cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Các nước xuất khẩu có thể viện dẫn các quy định cụ thể trong các hiệp định này để yêu cầu nước nhập khẩu thực hiện đúng cam kết khi điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu các yêu cầu của nước xuất khẩu không được xử lý thỏa đáng, nước xuất khẩu có thể cân nhắc việc khiếu nại ra các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan, chẳng hạn như cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

7. Tất cả các thị trường xuất khẩu, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều có khả năng cao là đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại?

-CHƯA CHÍNH XÁC.

- Mặc dù trên lý thuyết có khả năng bất kỳ mặt hàng xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào cũng có thể là đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng trên thực tế sẽ có một số thị trường và một số ngành hàng có khả năng cao hơn.
Các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Mê-xi-cô, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin có tần xuất sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn.
Các ngành hàng như kim loại (chủ yếu là thép), hóa chất, cao su, chất dẻo, máy móc thiết bị, dệt may (chủ yếu là hàng dệt), giấy, gỗ là đối tượng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên hơn.

8. Nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề?

- CHƯA CHÍNH XÁC.

- Việc đánh giá tác động của biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra có thể nhận được một mức thuế phòng vệ thương mại riêng hoặc không bị áp thuế. Nếu một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhận được mức thuế thấp, đây lại là cơ hội để các doanh nghiệp này tiếp tục duy trì xuất khẩu, thậm chí còn có thể mở rộng thị phần khi doanh nghiệp đối thủ của các nước xuất khẩu khác cùng bị điều tra phải chịu mức thuế suất cao hơn.

9. Khi tham gia các các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng công vụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu?

- ĐÚNG.
 
- Biện pháp phòng vệ thương mại là biện pháp được WTO, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do và luật pháp các nước cho phép áp dụng. Các biện pháp này được các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn áp dụng thường xuyên, phổ biến trong thương mại quốc tế. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần tuân thủ đầy đủ các quy định chặt chẽ của WTO, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do và pháp luật trong nước.

10. Là cơ quan chuyên môn về phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại có trách nhiệm trả lời thay cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam?

- SAI.
- Hoạt động hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp khi bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý ngoại thương. 
Đối với các vụ việc điều tra chống bán phá giá, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan: (1) cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp và hiệp hội các thông tin ban đầu về vụ việc; (2) tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài, các chiến lược, cách thức xử lý vụ việc; (3) theo dõi, giám sát quá trình điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo việc điều tra tuân thủ các cam kết quốc tế và quy định liên quan; (4) trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài nếu phát hiện những nội dung điều tra không tuân thủ các cam kết quốc tế và quy định liên quan; (5) khiếu nại biện pháp theo các cơ chế giải quyết tranh chấp mà Việt Nam tham gia. Việc trả lời, cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra nước ngoài là quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp.

- Đối với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, bên cạnh các hoạt động trên, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về các quy định, chính sách của Chính phủ Việt Nam theo đề nghị của cơ quan điều tra nước ngoài để chứng minh các doanh nghiệp Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ. 

11. Tất cả các hành vi được cơ quan điều tra nước ngoài kết luận là lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đều là hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xuất khẩu?

- CHƯA CHÍNH XÁC.
- Khái niệm về lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại thông thường đang được sử dụng trong tiếng Việt thực chất là hai loại hành vi khác nhau:
- Hành vi trốn thuế phòng vệ thương mại (duty evasion) thông qua việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để giả mạo xuất xứ của một nước thứ ba không bị áp thuế. Ví dụ như việc nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam, chỉ thay đổi bao bì rồi xuất sang nước khác nhưng vẫn kê khai là có xuất xứ Việt Nam. 
- Hành vi tránh thuế phòng vệ thương mại (duty circumvention) thông qua việc thiết lập cơ sở sản xuất ở nước thứ ba không bị áp thuế, có thể tiến hành một số công đoạn sản xuất tại nước thứ ba này nhưng cơ quan điều tra của nước nhập khẩu sau khi điều tra kết luận rằng những công đoạn sản xuất đó không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể.
- Hành vi trốn thuế (duty evasion) có thể liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như mua bán hóa đơn chứng từ, giả mạo các tài liệu, chứng từ để chứng minh thành phẩm nhập về có đủ điều kiện để coi là có xuất xứ Việt Nam. 
- Hành vi tránh thuế (duty circumvention) rất ít hoặc không liên quan đến các hành vi bất hợp pháp vì việc kết luận thế nào là tạo ra giá trị gia tăng đáng kể phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan điều tra nước nhập khẩu trên cơ sở kết quả điều tra của họ.

12. Chỉ có Việt Nam mới xảy ra các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại?
- CHƯA CHÍNH XÁC.

- Hiện tượng này xảy ra ở cả các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Cam-pu-chia,…

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?