Thủy sản, da giày chuẩn bị vào 'sân chơi' EVFTA

Nhiều doanh nghiệp thủy sản, da giày đang đặt kỳ vọng vào những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong vòng 1 tháng tới.
Da giày là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN.
Da giày là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN.

Kỳ vọng bù đắp thiệt hại xuất khẩu đầu năm

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày bị sụt giảm tới 30%, trong đó, tháng 4 giảm 21% và tháng 5 giảm sâu 50%.

"EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. Chúng tôi kỳ vọng ngày 1/8 tới khi Hiệp định có hiệu lực, việc thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này sẽ giúp bù đắp lại những thiệt hại của xuất khẩu trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, tiềm lực và nội lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.

Theo bà Xuân, các doanh nghiệp của ngành đã có sự chuẩn bị và kỳ vọng việc đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU, cũng như kết nối được với các khách hàng của thị trường EU khi thị trường EU mở cửa trở lại.

Đối với ngành thủy sản, các doanh nghiệp cũng đã có sự chủ động tích cực để tận dụng những ưu đãi từ EVFTA. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: “VASEP đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương suốt 2 năm qua và kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhiều nhất có thể thông tin về EVFTA. Sắp đến ngày EVFTA có hiệu lực, chúng tôi cũng đang nỗ lực thêm sau khi thấy rằng có một số dòng hàng có thể còn thiếu thông tin. Ví dụ vấn đề hạn ngạch thuế quan liên quan đến mặt hàng cá ngừ hộp hay surimi. Đó là những thứ hiệp hội đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương làm sao có được đầy đủ thông tin sớm nhất có thể về chuyện đăng ký hạn ngạch cho xuất khẩu cá ngừ và surimi vào EU”.

Sự chủ động của doanh nghiệp thủy sản được thấy khá rõ thông qua việc doanh nghiệp rất quan tâm về thông tin liên quan tới EVFTA. Theo ông Nam, các chương trình VASEP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương tập huấn về EVFTA riêng cho lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp hội viên VASEP đều có người tham dự trực tiếp, đưa ra nhiều vấn đề hỏi đáp.  

“Ngoài ra, vấn đề đáng chú ý là, VASEP nhận được từ doanh nghiệp hội viên những yêu cầu khá sâu, ví dụ khi nào có thể đăng ký cho xuất khẩu cá ngừ trong hạn ngạch 1.500 tấn EU cho Việt Nam? Ngay giữa tháng 7 này, VASEP đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với chương trình chung của Bộ có tập huấn riêng về vấn đề quy tắc xuất xứ để bổ trợ thêm”, ông Nam cho biết.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp  

Có nhiều kỳ vọng, nhưng đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam vẫn có nhiều trăn trở, lo âu. Bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích, EU là thị trường đòi hỏi rất cao với các điều kiện gia nhập thị trường không hề dễ dàng như yêu cầu về kỹ thuật, hàng hóa chất lượng cao cũng như các yêu cầu đảm bảo về lao động, môi trường... Đó là các yếu tố mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cải thiện rất nhiều mới có thể gia nhập vào thị trường.

Trước hết, do nội lực của doanh nghiệp còn đang rất yếu, cùng với đó, sự chủ động của các doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nội lực về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được vì sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún. 

“Doanh nghiệp nắm bắt thông tin về EVFTA còn rất hạn chế. Nguyên nhân là bởi mô hình phương thức sản xuất gia công, bị phụ thuộc khá nhiều vào khách hàng quốc tế. Vấn đề về thị trường hầu như do khách hàng chủ động, còn các doanh nghiệp chỉ trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chưa có tính năng động trong tiếp cận thị trường. Chúng tôi cũng rất mong muốn từ phía doanh nghiệp phải có sự chuyển biến tích cực mới có thể tiếp cận được với "cuộc chơi". Cùng với đó, thể chế, chính sách cũng cần có sự cải thiện. Điều này đòi hỏi có sự đồng bộ từ doanh nghiệp, phía Nhà nước mới có thể thực thi, tận dụng được cơ hội thị trường trong thời gian tới”, Bà Xuân cho hay.

Lo ngại về quy tắc xuất xứ, bà Xuân chia sẻ, nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc  và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các doanh nghiệp đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đó chỉ thực hiện chủ yếu ở doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động trong việc giải quyết nguyên phụ liệu tại chỗ.

“Chúng tôi mong muốn sớm có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu, tạo ra được vùng, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp da giày, dệt may và có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn để thúc đẩy phát triển nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam hơn nữa. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng phải giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA trong giai đoạn tiếp theo”, bà Xuân nói.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, với các FTA như EVFTA hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngoài về thuế có lợi thế, còn những chương khác đề cập đến vấn đề phát triển bền vững, về sở hữu trí tuệ, về kỹ thuật phi thuế quan…là những vấn đề mà năng lực thực hiện của doanh nghiệp còn yếu. 

Ông Nam cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các Bộ ngành được giao đầu mối thực hiện Hiệp định đóng vai trò quan trọng, không chỉ rốt ráo đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay mà cần có bộ phận mang tính thường trực, làm việc theo quá trình và liên tục.

“Đặc biệt, các bộ, ngành không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn cần có kênh hay cách thức để phía EU thấy rằng, phía Việt Nam tuân thủ tốt các cam kết, để họ có niềm tin vào mình, đặt thêm kỳ vọng mới cho các phát triển trong tương lai”, ông Nam đề xuất.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩucủa Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% ngay trong năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Theo Bộ Công Thương, xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU như nông thủy sản, dệt may, da giày dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao.

EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông, thủy sản tại Việt Nam. Cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025); đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2%), trong giai đoạn 2020-2030.

Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025 và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.