Sữa chua (yogurt) được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới mô tả trong Codex Alimentarius là một sản phẩm sữa lên men có chứa hai chủng vi khuẩn sống Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus có lợi cho đường ruột. Cả hai chủng vẫn phải hoạt động trong sản phẩm cuối cùng với ít nhất khoảng 10 triệu CFU trong một gram. Chúng sẽ chuyển đổi dưỡng chất trong sữa thành axit lactic, tạo ra độ chua hấp dẫn.
Theo tài liệu Sữa chua tốt cho sức khỏe của Hội đồng Sáng kiến về sữa chua trong dinh dưỡng (YINI), nơi tập hợp các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ… từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, sữa chua có nhiều tác dụng với sức khỏe con người như cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh; tốt cho hệ tiêu hóa; tốt cho hệ miễn dịch biểu mô; hỗ trợ làm đẹp; giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loãng xương…
Để tăng hiệu quả của sữa chua đối với sức khỏe, nhất là trong vấn đề tiêu hóa và tăng cường miễn dịch, nhiều nhà sản xuất còn bổ sung probiotics vào sữa chua, từ đó ra đời sản phẩm sữa chua probiotics bên cạnh sữa chua thông thường.
|
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, probiotics là những vi sinh vật sống mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ. Thông thường, hệ vi sinh đường ruột ở trạng thái cân bằng giúp duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh tật hoặc căng thẳng có thể thay đổi sự cân bằng này, tăng lượng hại khuẩn và giảm tỷ lệ lợi khuẩn, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa cũng như các vấn đề khác.
Khi hoạt động, lợi khuẩn có thể sản xuất enzyme hoặc protein ức chế vi khuẩn có hại đồng thời cạnh tranh vị trí và nguồn dinh dưỡng của các vi khuẩn có hại. Điều này ngăn chặn sự nhân lên của vi khuẩn có hại, vốn có khả năng gây nhiễm trùng hoặc các rối loạn, bệnh lý cho cơ thể. Lợi khuẩn cũng giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, cho phép cơ thể tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm, từ đó tăng đề kháng. Bên cạnh đó, lợi khuẩn còn giúp hoạt hoá đại thực bào, kích thích sản xuất kháng thể IgA.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ (American College of Gastroenterology) chỉ ra rằng các chủng lợi khuẩn có thể hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh hộ hấp, tiêu chảy, ngăn ngừa bệnh tự miễn, giảm bớt bệnh ngoài da, chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục...
Một tác dụng bất ngờ của lợi khuẩn vừa được công bố chính là khả năng làm giảm sự tích tụ của các chất độc hại như kim loại nặng, thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu trong vật chủ.
Sử dụng sữa chua probiotics là một cách giải độc kim loại hiệu quả cũng như mang lại nhiều tác dụng hữu ích khác cho sức khỏe của cả gia đình. Ảnh: Istock |
Kết quả này vừa được công bố trong nghiên cứu về việc bổ sung lợi khuẩn làm giảm hàm lượng kim loại nặng trong máu thông qua việc thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, đăng tải trên trên tạp chí khoa học trực tuyến NPJ Biofilms and Microbiomes (thuộc nhà xuất bản Springer Nature) số ra ngày 16/8 vừa qua.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) với 152 công nhân luyện kim và 30 sinh viên sống tại thành phố Jinchang, tỉnh Cam Túc, miền Bắc, Trung Quốc - một thành phố công nghiệp nổi tiếng với hoạt động khai thác kim loại, nấu chảy đồng, niken và coban vào tầm tháng 7 – 8/2020. Những công nhân được chia thành hai nhóm - nhóm dùng sữa chua probiotics và nhóm chỉ dùng sữa chua thông thường (chứa men vi sinh Lactobacillus Bulgaricus và Streptococcus thermophilus). Trong khoảng 12 tuần, những người tham gia được hướng dẫn tiêu thụ 250 gram sữa chua mỗi ngày. 250 gram sữa chua này chứa ít nhất 10 tỷ CFU mỗi chủng vi khuẩn. Đo lường hàm lượng kim loại trong máu của những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêu thụ sữa chua probiotics làm giảm lượng đồng (34,45%) và niken (38,34%) trong máu cao hơn và nhanh hơn so với việc tiêu thụ sữa chua thông thường (16,41% và 27,57%, tương ứng) sau 12 tuần sử dụng. Sữa chua chứa probiotics cũng có thể bảo vệ người dùng chống lại tác hại của kim loại nặng.
Các chuyên gia cho biết, lợi khuẩn có sẵn trong cơ thể từ khi chúng ta ra đời, lợi khuẩn có thể sinh sôi hay giảm theo thời gian và lợi khuẩn cũng có thể được đưa vào cơ thể thông qua ăn, uống, như sử dụng các chế phẩm men vi sinh hoặc ăn sữa chua probiotics.