Cùng đồng hành trong sự kiện có sự tham gia của Đại sứ thiện chí UNESCO Vik Muniz.
Vik Muniz hiện là một nghệ sĩ đương đại nổi tiếng người Brazil, với những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong các viện bảo tàng có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của UNESCO vào năm 2011 vì những hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật vì sự phát triển bền vững.
Thành tựu quan trọng nhất của Vik Muniz được mô tả trong bộ phim tài liệu có tên Waste land (Đời rác). Thay vì những phòng triển lãm hay khán phòng sang trọng, điểm thu hút bước chân ông chính là bãi rác lộ thiên lớn nhất hành tinh (hơn 1,2 triệu m2), nơi có hàng nghìn người thường xuyên bám trụ để kiếm sống từ lượng rác thải 7.000 tấn đổ về mỗi ngày. Với sự trợ giúp của 6 người nhặt rác trong khu đất nồng nặc mùi phế thải, Vik Muniz đã tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật để đời.
Vik bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà điêu khắc nhưng dần dần quan tâm hơn đến các bức ảnh chụp tác phẩm của chính minh. Cuối cùng, ông chuyển sang chuyên tâm hẳn cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Vik Muniz từng kết hợp nhiều vật liệu đa dạng vào quá trình chụp ảnh.
Ông từng sử dụng đất, kim cương, đường, dây và thậm chí cả rác, sắp đặt và thổi hồn cho chúng một ý nghĩa mới. Sự sáng tạo nghệ thuật vô biên của Vik Muniz hoàn toàn phù hợp với dự án MAB.
Vì mục đích bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, Vik Muniz quyết định thực hiện tác phẩm, sử dụng các loại vải vóc và ảnh tư liệu do tình nguyện viên thu thập trong các Khu dự trữ sinh quyển UNESCO trên khắp thế giới.
Tác phẩm của Vik được kỳ vọng thể hiện sự độc đáo về văn hóa và sinh học cũng như mối quan hệ giữa chúng với con người một cách đầy cảm hứng. Một “bình thường mới” cho một hành tinh khỏe mạnh bền vững trên Trái đất, cho các thế hệ hiện tại và tiếp theo, chính là ý nghĩa là UNESCO, MAB và Vik Muniz muốn gửi gắm trong tác phẩm.
Tác phẩm của Vik Muniz. |
Tác phẩm nghệ thuật này cũng nhằm thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau và niềm tin đan xen giữa cuộc sống của con người và các loài sinh vật khác. Tác phẩm của Vik Muniz sẽ được trình bày trong Hội nghị chung của UNESCO và các sự kiện lớn liên quan đến phát triển bền vững.
“Năm 1967, Stewart Brand đã thuyết phục được NASA sử dụng vệ tinh ATS-3 của mình để tạo ra một bức ảnh về toàn bộ chu vi của hành tinh chúng ta. Bức tranh Toàn cảnh Trái đất khiến nhân loại có thể tưởng tượng như mình đang sống trong cùng một không gian hữu hạn và duy nhất.
Trong nhiều thập kỷ, tôi đã cố gắng để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận và tổng thể, giữa biểu tượng và tính thiết thực. Các phương pháp tiếp cận khoa học đầy tham vọng nhất, nhất thiết phải nắm bắt được trí tưởng tượng của người xem để thực sự thành công đáng kể ở cấp độ con người.
Tôi tin rằng với tư cách là một nghệ sĩ, tôi có thể trở thành một đối tác hữu ích trong việc quảng bá “Hệ sinh thái của Tâm trí” - mượn lời của Gregory Bateson. Tôi vô cùng vinh dự được trở thành một phần của bức tranh tuyệt vời nhân Kỷ niệm 50 năm Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO”. - Vik Muniz, Nghệ sĩ, Đại sứ Thiện chí của UNESCO.