Các thị trường chứng khoán mới nổi tăng khoảng 9% trong tháng 1, chốt trên mức trung bình 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 5. Đây là mức tăng tháng mạnh nhất của chỉ số MSCI Emerging Markets Index kể từ tháng 3/2016, cao hơn mức tăng 7,8% của chỉ số MSCI All-Country World Index - một thước đo của chứng khoán toàn cầu.
Cũng trong tháng 1, chỉ số MSCI EM Currency Index của đồng tiền các thị trường mới nổi tăng 2,6%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 1 năm.
Sự khởi sắc nói trên của tài sản các thị trường mới nổi diễn ra sau năm 2018 đầy biến động - khi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và đồng USD tăng giá gây áp lực thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi.
Vào hôm thứ Tư tuần này, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu dừng tăng lãi suất trong 2019, sau khi đã liên tục nâng lãi suất từ cuối 2015. Tuyên bố của FED được xem là một sự dịch chuyển mạnh mẽ, kéo đồng USD sụt giá và đẩy thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới tăng điểm trên diện rộng.
"Lập trường mềm mỏng của FED đã giúp ích nhiều cho diễn biến giá tài sản của các thị trường mới nổi, vì nếu FED không nâng lãi suất, tỷ giá USD sẽ không tăng và quan điểm của nhà đầu tư sẽ có sự thay đổi", bà Kathryn Rooney Vera - trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược thị trường mới nổi thuộc Bulltick LLC, nhận xét.
"Các dòng vốn cho thấy các thị trường mới nổi đang là xu thế đầu tư ở thời điểm hiện tại", bà Vera phát biểu.
Theo dữ liệu của Lipper, tính đến ngày 30/1, lượng vốn rót vào các quỹ đầu tư chứng khoán mới nổi trên toàn cầu trong tháng đạt khoảng 8,48 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong 1 năm và cao thứ hai kể từ tháng 1/2013. Cùng với đó, số vốn chảy vào các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi đạt 1,66 tỷ USD, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Tuy nhiên, việc FED tạm dừng nâng lãi suất cũng có thể mang đến thông tin bất lợi cho các thị trường mới nổi.
Ông Juha Seppala, Giám đốc phụ trách chiến lược phân bổ tài sản vĩ mô thuộc UBS Asset Management, cho rằng sự phục hồi giá tài sản các thị trường mới nổi còn tùy thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế ngoài Mỹ.
Theo ông Seppala, tuyên bố hôm thứ Tư của FED "rất có tác dụng hỗ trợ" các thị trường mới nổi, nhưng sự hỗ trợ đó chỉ duy trì chừng nào việc FED dừng nâng lãi suất là phản ứng với kỳ vọng suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong trường hợp đó, đồng USD sẽ suy yếu và tài sản các thị trường mới nổi có cơ hội tăng giá.
Ngược lại, nếu sự giảm tốc tăng trưởng diễn ra trên phạm phi toàn cầu, thì đồng USD có thể sẽ tăng giá mạnh. Trong trường hợp như vậy, đồng bạc xanh sẽ phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn, và tài sản các thị trường mới nổi có thể bị bán mạnh khi nhà đầu tư mua đồng USD.
"Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xấu đi trong những tháng gần đây", ông Seppala phát biểu, nhấn mạnh những nguyên nhân như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đợt đóng cửa kéo dài của Chính phủ Mỹ.
"Nếu có một nhân tố nào đó tác động sâu hơn, thì nhiều khả năng tình hình tăng trưởng sẽ xấu thêm", vị chuyên gia dự báo.