Đại án Hà Văn Thắm và OceanBank đã khép lại với cái kết tù chung thân và tịch biên tài sản của ông Hà Văn Thăm. Theo bản án, ông Hà Văn Thắm phải bồi hoàn số tiền 900 tỷ đồng. Trong số đó có hơn 72 triệu cổ phiếu OGC (tương đương 28% vốn Ocean Group) thuộc sở hữu của ông Thắm và sở hữu qua doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.
14/8/2018, Ocean Group nhận được quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của ông Thắm. Điều đó có nghĩa, 72 triệu cổ phiếu OGC thuộc sở hữu của ông Thắm trong tình trạng sẵn sàng được bán.
Tới ngày 2/11/2018, sàn TP.HCM ghi nhận hiện tượng mang tên OGC. OGC bất ngờ tăng trần sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Chốt phiên, OGC dừng ở mức 2.820 đồng/CP sau khi tăng 180 đồng/CP.
Điều đáng chú ý nhất chính là khối lượng giao dịch của OGC tăng đột biến, vọt lên 37,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, khối lượng giao dịch phiên 1/11 chỉ là gần 2 triệu đơn vị. Ở thời điểm đó, một số nhà đầu tư quen thuộc với OGC đã nghĩ đến khả năng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội đã bán ra cổ phiếu OGC giúp ông Hà Văn Thắm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.
Ngày 7/11, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội đã xác nhận thông tin bán ra cổ phiếu OGC thuộc sở hữu của ông Thắm. Ông Hồng cho biết thêm thời điểm đó, Cục mới bán ra 50% lượng cổ phiếu. Như vậy, vẫn còn 50% cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Thắm cần được bán ra trong thời gian tới.
Dù vậy, thông tin này cũng đủ hỗ trợ giá cho OGC. Tới phiên 5/11, OGC có thêm một phiên tăng trần. Tới 6 và 7/11, bất chấp VN-Index rung lắc mạnh, OGC vẫn duy trì được đà tăng điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch, 7/11, OGC dừng ở mức 3.120 đồng/CP, tăng 480 đồng/CP, tương ứng 18% so với phiên 1/11, ngay trước phiên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội bán ra cổ phiếu OGC.
Không chỉ tăng giá mạnh, thanh khoản của OGC cũng tăng vọt. Nếu trước đây, mỗi phiên giao dịch, thị trường chỉ chứng kiến chưa đến 2 triệu cổ phiếu OGC được trao tay thì kể từ sau ngày 2/11, có tới hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Giới đầu tư nhận định, sau những biến cố của ông Hà Văn Thắm, cổ phiếu OGC giảm xuống quá sâu, thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều. Bên cạnh đó, những lộn xộn mà Ocean Group vướng phải khi ‘bóng dáng’ ông Thắm vẫn còn đã khiến Ocean Group khó có thể ổn định để làm ăn. Vì thế, cổ phiếu OGC không thể đi lên được dù giai đoạn khó khăn đã đi qua rồi. Đến bây giờ, khi chứng kiến ông Thắm dần chấm dứt ảnh hưởng của mình tại Ocean Group, cổ đông tin rằng Ocean Group sẽ ổn định để tập trung vào kinh doanh. Kết quả là cổ phiếu OGC tăng mạnh…
Phía các nhà đầu tư cũng cho rằng, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội chọn thời điểm này để bán ra cổ phiếu OGC là “quá đẹp” vì thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đợt suy giảm dài và chưa có dấu hiệu đi lên bền vững. Nếu để lâu hơn, không loại trừ khả năng VN-Index và cổ phiếu OGC cùng giảm sâu. Như vậy, số tiền nộp cho Nhà nước sẽ sụt giảm. Việc bán cổ phiếu thi hành án cho Nhà nước như vậy là thành công. Tôi thấy phương thức khớp lệnh là công khai, minh bạch và nhanh chóng thu hồi tiền cho Ngân sách Nhà nước.