Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 30/6, thương mại qua Litva tới vùng Kaliningrad của Nga có thể trở lại bình thường trong vòng vài ngày tới, khi các quan chức châu Âu hướng tới một thỏa hiệp với quốc gia Baltic trên để giảm bớt căng thẳng với Moskva.
Kaliningrad, khu vực có biên giới với các quốc gia EU và phụ thuộc phần lớn xuất khẩu hàng hóa vào đường sắt và đường bộ qua Litva, đã bị chặn khỏi một số hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Nga kể từ ngày 17/6 theo lệnh trừng phạt của Brussels.
Hiện các quan chức châu Âu đang đàm phán về việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với vùng Kaliningrad, vốn đã ảnh hưởng đến các mặt hàng công nghiệp như thép cho đến nay, mở đường cho một thỏa thuận vào đầu tháng 7 nếu thành viên EU là Litva đồng ý.
Cuộc tranh cãi về việc cô lập Nga đang thử thách quyết tâm của châu Âu trong việc thực thi các lệnh trừng phạt được áp đặt sau chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự leo thang sau khi các hạn chế khác khiến Nga vỡ nợ.
Trong khi các cường quốc phương Tây cam kết ủng hộ Ukraine, nhắc lại quyết tâm của họ tại cả hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO trong tuần này, thì cả châu Âu đều khó có thể "đứng vững" trước các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và tránh leo thang thêm với Nga.
Đó là lý do tại sao các quan chức châu Âu, với sự hậu thuẫn của Đức, đang tìm kiếm một thỏa hiệp để giải quyết một trong nhiều mâu thuẫn của họ với Moskva.
Nếu tuyến đường truyền thống cho hàng hóa của Nga đến Kaliningrad, trước tiên là qua Belarus và sau đó là Litva, không được khôi phục, Litva lo ngại Moskva có thể sử dụng sức mạnh quân sự để mở một hành lang xuyên qua quốc gia Baltic này nhằm phá thế phong tỏa, Euractiv.com dẫn một nguồn tin liên quan đến vấn đề này cho biết.
Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuần này cũng cảnh báo việc hạn chế vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây và Nga có nhiều cách để trả đũa.
Litva đã đóng cửa một phần đường sắt vận chuyển hàng hóa của Nga đến và đi từ vùng ngoại ô Kaliningrad, nói rằng họ đang thực hiện các lệnh trừng phạt của EU nhưng động thái này đã khiến Moskva tức giận, tuyên bố sẽ phản ứng, làm dấy lên lo ngại về vấn để sử dụng lực lượng quân sự để mở hành lang nói trên.
Trong khi đó, Đức có binh sĩ đóng quân ở Litva, nguy cơ bị cuốn vào một cuộc đối đầu cùng với các đồng minh NATO với Nga nếu điều đó xảy ra. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự cắt giảm dòng chảy nào nếu tranh chấp Kaliningrad leo thang.
“Chúng tôi phải đối mặt với thực tế. Moskva có nhiều đòn bẩy hơn chúng tôi và lợi ích của EU là tìm ra một sự thỏa hiệp, dù kết quả cuối cùng có thể không công bằng", một nguồn tin khác trong EU nêu rõ, mô tả Kaliningrad là “rất quan trọng” đối với Nga.
Trước bối cảnh này, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Litva cho biết họ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Ủy ban châu Âu về việc áp dụng các lệnh trừng phạt và rằng bất kỳ thay đổi nào của EU sẽ không ảnh hưởng đến quốc gia Baltic này.
Người phát ngôn trên cũng lưu ý: “Các biện pháp trừng phạt phải được thực thi và bất kỳ quyết định nào được đưa ra không được làm suy giảm uy tín và hiệu quả của chính sách trừng phạt của EU”.
Theo các nguồn tin trong EU, một thỏa thuận thỏa hiệp sẽ được tìm ra vào ngày 10/7 hoặc có thể được công bố vào tuần tới. Một thỏa hiệp tiềm năng có thể sẽ coi hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Nga và Kaliningrad được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của EU với lý do nó không được coi là thương mại quốc tế bình thường vì khu vực cấm vận là một phần của Nga, một trong những nguồn tin EU cho biết.
Sự nhượng bộ đó chỉ có thể được thực hiện với điều kiện hàng hóa bị trừng phạt được sử dụng ở Kaliningrad và không được xuất khẩu qua cảng của nước này, nơi có trụ sở chính của Hạm đội Baltic của Nga. Một ý tưởng khác là các cơ sở nhân đạo có thể được sử dụng để đưa ra quyền miễn trừ cho Kaliningrad, khu vực nằm giữa Litva, Ba Lan và Biển Baltic.
Litva, trước đây thuộc Liên Xô, hiện là một trong những nước chỉ trích Nga gay gắt nhất ở EU và có mâu thuẫn với các quan chức ở Đức và Brussels liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Cho đến nay, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã ngăn cản việc vận chuyển sắt, thép và kim loại đến Kaliningrad qua các nước EU. Danh sách hàng hóa bị xử phạt sẽ mở rộng đối với xi măng và rượu từ ngày 10/7, than đá trong tháng 8 và các sản phẩm từ dầu trong tháng 12 tới. Hành khách và các sản phẩm thực phẩm đều không bị cấm và vẫn có thể đến Kaliningrad bằng máy bay hoặc đường biển.