"Chuyện quê" của Kù Kao Khải.
Dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa gần 40 độ C, các nhà điêu khắc, giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp đã kiên trì cưa, đục thân 2 cây gạo bị sâu mọt, để tái sinh trở thành những tác phẩm điêu khắc đẹp mắt và đang được trưng bày tại Trung tâm mỹ thuật Đương Đại (Hà Nội) từ ngày 19-23.4.
Ý tưởng này được khởi nguồn từ chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu của Úc, tiến sỹ Arbor Carbon Paul Barber. Làng Đông Cao, Xã Yên Lộc, Huyện Ý Yên, Nam Định có 2 cây gạo hơn 300 tuổi đứng trước cửa chùa đầu thôn. Cây gạo chứng kiến bao biến cố thăng trầm của người dân nơi đây. Chính dưới gốc gạo này biết bao thế hệ đã được sinh ra và lớn lên, diễn ra bao cuộc chia ly và đoàn tụ. Cây gạo như người mẹ che chở cho dân làng và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.
"Khóa thân" - Phạm Sinh.
Trước tình cảm của người dân dành cho 2 cây gạo cổ thụ, TS Paul Barber đã lên ý tưởng mời các nghệ sĩ, các nhà điêu khắc biến thân cây Gạo thành các tác phẩm nghệ thuật. Với tinh thần đó, các nhà điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội đã cùng nhau thực hiện Trại điêu khắc gỗ mang tên “Tái sinh 1” và tháng 6.2015 và nay là “Tái sinh 2” vào 4.2016. Năm 2010 cây gạo đột nhiên bị héo khô dần và có dấu hiệu bị bệnh. Dân làng Đông Cao đã viết đơn kiến nghị lên Bộ NNPTNT nhờ cứu chữa. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ thị cho Viện Lâm nghiệp Việt Nam cử các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu và tìm cách chữa trị cho cây Gạo. Tiến sỹ Arbor Carbon Paul Barber cũng trực tiếp xuống cứu chữa 2 cây cổ thụ. Song, cây đã bị sâu đục thân thâm nhập quá nặng không thể cứu chữa. Cây chết từ bên trong.
Cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi dù đã chết, nhưng nhờ khối óc và bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, hàng chục tác phẩm điêu khắc từ gỗ gạo được ra đời.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm lần này, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ đã biến một cây gạo đã chết thành những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Các tác phẩm đều mang vẻ đẹp riêng, và điều quan trọng là khiến người xem cảm thụ và chấp nhận được cái đẹp đó.
Theo Lao Động