Vừa qua, dư luận và báo chí đặc biệt quan tâm và bức xúc liên quan đến tình trạng rừng trên địa bàn Hà Nội bị "xẻ thịt" làm biệt thự, nhà hàng, các công trình trái phép. Tuy nhiên, ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn có những đặc thù riêng, diện tích đất rừng ở đây là đất người dân khai haong vùng kinh tế mới từ mấy chục năm trước, vì vậy việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Tại công văn nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cũng yêu cầu Thanh tra huyện, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn rà soát hồ sơ pháp lý liên quan đến việc cưỡng chế và giải quyết khiếu nại của công dân; phối hợp với Thanh tra thành phố đề xuất UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thanh tra Chính phủ. Quyết định tạm dừng cưỡng chế phá dỡ của UBND huyện Sóc Sơn đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và các hộ dân thôn Minh Tân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Đây là một quyết định đúng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân trong thôn. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 943/TTCP - BTCDTW gửi UBND thành phố Hà Nội về việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả ngày 18/4/2019 của UBND huyện Sóc Sơn đối với 22 hộ dân đang sinh sống ổn định từ năm 1985 đến nay.
Trong công văn nêu rõ ý kiến của người dân cho rằng: Đất của các hộ dân là đất khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1985-1988 theo chủ trương chung của Nhà nước. UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành các quyết định điều chuyển hộ dân đến để xây dựng vùng kinh tế mới tại điểm Đồng Đò, trên cơ sở đó các hộ đã được Nhà nước hỗ trợ gạo, xi măng, ngói.
Ngày 21/9/2008, UBND xã Minh Trí đã có biên bản họp Hội đồng xác nhận nguồn gốc đất đối với 27 hộ dân có công trình xây dựng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, phục vụ hồ sơ địa chính về đất đai, trật tự xây dựng, có nội dung: "Ý kiến của các thành viên Hội đồng và đại biểu nhân dân tham dự họp Hội đồng: Đều thống nhất kết quả thẩm định của Tổ công tác về nguồn gốc đất theo danh sách 27 hộ gia đình, cá nhân có công trình xây dựng tại thôn Minh Tân, thống nhất chung nguồn gốc đất là khai hoang của các hộ dân thôn Minh Tân xây dựng khu kinh tế mới Đồng Đò năm 1985".
Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong khi đất của các hộ dân là đất vùng kinh tế mới.
Để có cơ sở trả lời công dân, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạm dừng việc cưỡng chế và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn, thông báo kết quả giải quyết đến Thanh tra Chính phủ.
Ngày 10/7/2019, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 6313/VP - BTCD về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của một số công dân ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra thành phố, cùng UBND huyện Sóc Sơn rà soát, đề xuất UBND thành phố báo cáo Thanh tra Chính phủ.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm vụ "xẻ thịt" đất rừng Minh Tân, Sóc Sơn (Hà Nội), thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội, cùng các sở, ngành liên quan và UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo quyết liệt xử lý những vi phạm tại khu vực này.
Tuy nhiên, kết quả công tác xử lý sai phạm bước đầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do có độ "vênh" giữa chính quyền địa phương cấp huyện, xã với những chỉ đạo xử lý vi phạm của thành phố, đặc biệt là chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân.
Vì vậy, việc quyết định tạm dừng cưỡng chế phá dỡ các công trình ở thôn Minh Tân để rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn là quyết định hợp lòng dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật.