Tạm dừng đón khách tham quan đền Quán Thánh để phục vụ trùng tu

(Ngày Nay) - Ngày 5/11, UBND quận Ba Đình cho biết, từ ngày 6/11 đến hết ngày 5/12/2024, đền Quán Thánh (quận Ba Đình) tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách tham quan để tu bổ, tôn tạo và sửa chữa nhiều hạng mục.
Đền Quán Thánh. Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát
Đền Quán Thánh. Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Trước đó, UBND quận Ba Đình đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục. Việc tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách tham quan để tạo điều kiện thuận lợi trong thi công, đảm bảo an toàn lao động cũng như chất lượng của công trình quan trọng này.

Theo quyết định đã được phê duyệt, 2 di tích sẽ được thực hiện tu bổ tổng thể với các hạng mục Tứ trụ, Nghi môn, đền chính, đồ thờ nội thất đền chính và các hạng mục phụ trợ. Thời gian thi công của dự án là 300 ngày kể từ ngày khởi công bàn giao mặt bằng.

Trước đó, ngày 25/7/2024, đơn vị thi công đã khởi công công trình tu bổ, tôn tạo tại các di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục. Trong quá trình thi công, mặt bằng tại di tích bị hạn chế trong việc thực hiện tu bổ các hạng mục theo thiết kế được duyệt; do đó, gây bất tiện cho du khách đến tham quan, thực hành tín ngưỡng tại di tích. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho du khách và bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác tu bổ các hiện vật, tượng thờ, Ban quản lý di tích đã quyết định tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động đón khách tham quan, tín ngưỡng tại di tích trong một thời gian.

Theo UBND quận Ba Đình, từ ngày 6/11/2024, đền Quán Thánh bước vào giai đoạn trùng tu phần ngói đền chính và tu bổ đồ thờ, nội thất trong đền; Ban quản lý di tích sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động đón du khách và nhân dân tới tham quan, chiêm bái tại di tích đến hết ngày 5/12/2024.

Đền Quán Thánh đối diện hồ Tây, tại ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Cùng với đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Voi Phục..., ngôi đền đang là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới thăm quan và chiêm bái.

Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Đền có kiến trúc xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.

Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Thời nhà Lê, Vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có mùa màng gặp hạn hán.

Còn đền Voi Phục sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm là Tây trấn một trong “Tứ trấn Thăng Long”, tọa lạc tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngôi đền là nơi thờ phụng thần Linh Lang Đại Vương - nhân vật lịch sử đã có công lao giúp vua Lý Thánh Tông đánh dẹp giặc Tống xâm lược và hy sinh. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong “Thượng đẳng thần”, năm 1065, Vua cho xây dựng đền thờ và tạc hai tượng voi đá quỳ trước cửa đền.

Hằng năm, để tưởng nhớ tới công lao của thần Linh Lang Đại Vương, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Voi Phục vào các ngày 9, 10, 11/2 âm lịch.

“Chàng Đam San” say tiếng cồng Tây Nguyên
“Chàng Đam San” say tiếng cồng Tây Nguyên
(Ngày Nay) - Lo ngại những giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, R’com Bus, một người con của Tây Nguyên đại ngàn đã chọn cách gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình.
Đoàn đại biểu Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tặng hoa Chi đội Quản lý biên giới Hồng Hà, tỉnh Vân Nam tại vạch phân địch cầu Hữu nghị Việt - Trung. Ảnh: TTXVN phát
Xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển
(Ngày Nay) - Ngày 5/11 tại thành phố Lai Châu, Đoàn đại biểu Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và Đoàn đại biểu Chi đội Quản lý biên giới Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức Hội đàm công tác nghiệp vụ năm 2024.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Linh Phạm
Thu hồi 56 địa điểm nhà, đất sử dụng không đúng mục đích tại Thủ đô
(Ngày Nay) - Chiều 5/11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết 1 năm triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 và triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của thành phố.