Tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện Gia Lâm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 27/2, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (tại xã Phú Thị) và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (tại thị trấn Yên Viên), Thượng tá Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra Công an huyện đã tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai trung tâm này để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện Gia Lâm

Trong số các đối tượng bị tạm giữ hình sự có: Nguyễn Trọng Tâm (sinh năm 1981), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S; Nguyễn Khánh Tùng (sinh năm 1962), Trưởng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (đã nghỉ hưu từ ngày 1/1/2023), Nguyễn Khánh Hưng (sinh năm 1979), Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (hiện đã chuyển công tác đi trạm đăng kiểm khác); Đào Mạnh Thắng (sinh năm 1970), Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V; cùng một số đăng kiểm viên khác...

Tối 25/2, qua xác minh đơn tố cáo của một số công dân trên địa bàn huyện Gia Lâm với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi của xe ô tô trong quá trình đăng kiểm xe ô tô, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập, làm việc với Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V Đào Mạnh Thắng (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) cùng các đăng kiểm viên và cán bộ, công nhân viên thuộc Trung tâm.

Tại Cơ quan điều tra, Đào Mạnh Thắng và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm. Đặc biệt, Đào Mạnh Thắng khai nhận: Từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022, Thắng chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm.

Hàng ngày, Thắng được chung chia theo tỷ lệ hệ số 1.4, mỗi ngày được chung chia từ 200 - 500 nghìn đồng tùy theo ngày thu được nhiều hay ít. Trong thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, số lượng xe ô tô đến đăng kiểm không nhiều nên số tiền thu được để chung chia hạn chế. Thắng khai, tổng số tiền Trung tâm nhận được từ lái xe ô tô đến đăng kiểm đưa để được bỏ qua lỗi nhỏ từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022 là khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Thắng được chung chia khoảng 90 triệu đồng, mỗi đăng kiểm viên được chung chia khoảng 40 - 50 triệu đồng, nhân viên văn phòng được chung chia khoảng 20 triệu đồng. Đáng chú ý, vào tháng 12/2022, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh, thành bị điều tra, xử lý về hành vi "nhận hối lộ", Thắng đã chỉ đạo Trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.

Tương tự, liên quan đến đơn tố giác của công dân trên địa bàn huyện với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm) có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi trong quá trình đăng kiểm xe ô tô, Cơ quan điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập làm việc với Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S Nguyễn Trọng Tâm (sinh năm 1981, ở phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội), cùng các đăng kiểm viên.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Trọng Tâm và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm. Nguyễn Trọng Tâm khai nhận: Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022, Tâm là đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S. Được sự chỉ đạo của Nguyễn Khánh Tùng là Trưởng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (hiện đã nghỉ hưu từ 1/1/2023), Tâm cùng các đăng kiểm viên khác nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm.

Hàng ngày, các đăng kiểm viên khác sau khi thu tiền của các lái xe đến đăng kiểm sẽ nộp lại cho Phạm Văn Vương (sinh năm 1980, ở phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội). Nhận tiền, Vương sẽ chia lại cho Trưởng Trung tâm, Phó trưởng Trung tâm, các đăng kiểm viên và nhân viên trong trung tâm mỗi tháng 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng theo tỷ lệ: Trưởng Trung tâm 3 phần, Phó trưởng Trung tâm 2,5 phần, đăng kiểm viên 2 phần, các nhân viên văn phòng 1 phần. Từ thời điểm Nguyễn Khánh Tùng về hưu, Nguyễn Trọng Tâm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm.

Khi Tâm làm đăng kiểm viên, mỗi tháng Vương chia cho Tâm khoảng 4 triệu đồng tiền nhận hối lộ của các lái xe. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, Tâm nhận được khoảng 130 triệu đồng tiền hối lộ. Từ tháng 1/2023 đến nay, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm bị điều tra xử lý về hành vi “nhận hối lộ”, Tâm chỉ đạo Trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.

Công an huyện Gia Lâm đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan, xác minh điều tra, đồng thời củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.