Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.
Chiến lược Bảo vệ môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng khẳng định quan điểm, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng; bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ, công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường được quy định tại các điều từ 136-140. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường được áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường; mức thuế bảo vệ môi trường được xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường. Phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường và phương pháp tính phí bảo vệ môi trường, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động gồm: khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm: dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước; dịch vụ hệ sinh thái biển; dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất; dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ carbon.
Điều 140, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có 9 nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong khu công nghiệp như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí nước thải bằng 10% giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin…