Trong số 44 dự án được chọn trước, 17 dự án nằm ở châu Phi và phần lớn đến từ Nam bán cầu. Hơn một nửa số dự án được lựa chọn trước, 25 dự án từ các tổ chức cấp cơ sở và quốc gia, 7 trong số đó là từ các tổ chức khu vực và 12 từ các tổ chức phi chính phủ chuyên ngành toàn cầu.
Các dự án được chọn khá nổi bật về tính độc đáo và sáng tạo, từ việc hỗ trợ các mạng lưới luật sư, văn phòng luật và các cơ chế bảo vệ truyền thông khác nằm trong các hiệp hội nhà báo và tòa soạn, đến thúc đẩy quá trình tranh tụng tại các tòa án khu vực và diễn đàn quốc tế chống lại các quy định và những hành động hạn chế tự do truyền thông. Một số dự án trong số này hướng tới việc tạo ra các cơ chế pháp lý đặc biệt bảo vệ các nhà báo nữ, những nhà báo tự do hoặc những người vẽ tranh biếm họa báo chí. Bình đẳng giới đã được lồng ghép trong tất cả các đơn đăng ký được lựa chọn trước.
Ông Guilherme Canela, Trưởng bộ phận về Tự do ngôn luận và An toàn của nhà báo của UNESCO cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng về số lượng và chất lượng của các dự án đầu tiên được Quỹ chấp thuận. Các dự án này đến từ khắp nơi trên thế giới và từ nhiều bên liên quan, bao gồm liên đoàn nhà báo, hiệp hội truyền thông, tổ chức nhân quyền, các tổ chức thúc đẩy sự minh bạch và mạng lưới báo chí điều tra.
Sự quan tâm đối với Lời kêu gọi hợp tác nói riêng và đối với Quỹ Bảo vệ Truyền thông toàn cầu nói chung, đã cho thấy đòi hỏi về tăng cường bảo vệ pháp lý cho nhà báo cũng như cũng như ủng hộ loại hình báo chí điều tra góp phần thực thi công lý”.
Đầu năm nay, UNESCO đã đưa ra Lời kêu gọi nhằm tìm kiếm các đối tác cho các dự án thúc đẩy tự do truyền thông. Các dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Bảo vệ Truyền thông toàn cầu.
Quỹ Bảo vệ Truyền thông toàn cầu là một Quỹ tín thác đa đối tác với mục tiêu tăng cường bảo vệ truyền thông và cải thiện khả năng tiếp cận của nhà báo với các hỗ trợ pháp lý chuyên biệt. Quỹ đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ pháp lý dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về tự do truyền thông, cũng như hỗ trợ báo chí điều tra hay góp phần giải quyết nạn tội phạm nhắm đến nhà báo.
Quỹ Bảo vệ Truyền thông toàn cầu được thành lập với các khoản tài trợ lớn ban đầu của Vương quốc Anh và Canada trị giá khoảng 3 triệu bảng Anh (3,7 triệu đô la Mỹ) trong 5 năm và 2 triệu đô la Canada (1.500.000 đô la Mỹ) cho 2 năm đầu. Cộng hòa Séc, Latvia và Luxemburg cũng cam kết các khoản đóng góp bổ sung. Quỹ có nhiệm vụ phối hợp với các hoạt động khác do UNESCO thực hiện trong lĩnh vực tự do ngôn luận.
Hoạt động của Quỹ cũng góp phần thực hiện Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về An toàn cho nhà báo và Trừng phạt tội phạm nhằm vào nhà báo.