Bên lề hội thảo “NXB Giáo dục với đổi mới chương trình và SGK phổ thông” ngày 8/11 vừa qua, ông Lê Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ với báo chí về bốn bộ sách mới được cho “trình làng” bản in mẫu lớp 1.
Các cuốn sách có hình thức đẹp, bắt mắt và chỉn chu từ trang bìa đến nội dung thể hiện bên trong, thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục. Dư luận đặt câu hỏi, với bộ sách được đầu tư về chất lượng như vậy, liệu giá thành sẽ ra sao?
Theo ông Hải, giá của sách giáo khoa mới sẽ cao hơn sách giáo khoa hiện hành. Lý do về mặt chất lượng, chủng loại, giấy, kỹ thuật in được nâng cấp, chi phí nguyên liệu tăng thì giá thành cũng tăng.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết sách giáo khoa hiện hành đang độc quyền, chịu sự quản lý và điều chỉnh giá của nhiều ban ngành, giá thành vì thế rẻ hơn nhiều so với sách khác.
"Tuy nhiên, khi chương trình phổ thông cho phép lưu hành nhiều bộ sách giáo khoa trong khi số lượng học sinh chỉ có từng đó, số lượng bản bán ra của mỗi bộ sách sẽ nhỏ lại, thì các nhà xuất bản sẽ phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, nhằm tái tạo lại sức lao động của tác giả, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà xuất bản. Chính vì vậy, giá sách mới sẽ không thể rẻ như sách hiện hành", ông Hải nói.
Giá sách tăng đồng nghĩa với việc nhà xuất bản sẽ phải đối diện với hàng loạt băn khoăn của dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh, họ có thể đòi hỏi mức giá cũ cho bộ sách giáo khoa mới. Vậy, nhà xuất bản sẽ phải "đương đầu" với vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Hải cho biết: “Nếu chỉ tính lợi nhuận, tính chuyện an toàn, lại in ra sách đen trắng thì đến bao giờ học sinh, con em mình mới được học sách tương đương với khu vực và quốc tế? Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải cân đối chi phí với giá bán để đảm bảo tái tạo lại sức lao động của tác giả, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà xuất bản".
Ông cũng cho biết, phương châm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là xây dựng giá thấp bằng hoặc thấp hơn các nhà xuất bản khác để đảm bảo tính phục vụ cho người học.
"Như bốn lần thay sách trước đều xảy ra nhiều vấn đề khi triển khai chương trình mới như nội dung, phương pháp, trường lớp... Câu chuyện này không phải là “sẵn sàng đương đầu”, mà nó là cái phải chấp nhận mỗi một lần thay sách giáo khoa", ông Hải chia sẻ.
Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng khẳng định rằng trong những năm đầu, các nhà xuất bản sẽ không có lời, thậm chí có thể lỗ. Nhưng câu chuyện đầu tư chất lượng là một chặng đường dài. Nhà xuất bản sẽ có vị trí, uy tín và có thể bù đắp được lợi nhuận ở những năm sau.
Đến thời điểm này, giá sách cụ thể vẫn chưa được quyết định, bởi chưa có đủ dữ kiện để xây dựng giá.
"Giá sách còn phụ thuộc và đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố những bộ sách giáo khoa mới, các nhà xuất bản sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu. Từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn", ông Hải nói.
Với ý kiến việc giá sách giáo khoa tăng ảnh hưởng tới học sinh các vùng nông thôn nghèo và học sinh người dân tộc, ông Hải cho biết, nhà xuất bản cũng có phần trách nhiệm.
Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hàng năm đều có chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, là các chương trình của Nhà nước, của các tổ chức xã hội tặng sách cho trẻ em khó khăn. Ngay trong kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cũng có một khoản ngân sách để cung cấp sách cho trẻ các vùng khó khăn.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, việc công bố sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình phổ thông mới sẽ diễn ra vào giữa tháng 11/2019.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM.