Nắm bắt xu hướng ngành Game nói chung và Thể thao điện tử (Esports) nói riêng ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là giới trẻ; Công ty CP Tập đoàn giải trí Đại Dương (Ocean Entertainment Group - OEG) ra đời với mục tiêu đưa nền Thể thao điện tử Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Là một hệ sinh thái dịch vụ tập trung vào việc phát triển Thể thao điện tử tại Việt Nam, OEG bao gồm: Esports Tournament, Esports Stadium, Platform và Academy. Sau hơn 2 năm, OEG đã tạo dựng được hệ thống giải đấu quy mô, chuyên nghiệp, cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại cùng sự kết nối sâu rộng với cộng đồng sinh viên cũng như các trường Đại học.
Được thành lập vào ngày 07/06/2022, Công ty CP Tập đoàn giải trí Đại Dương (Ocean Entertainment Group - OEG) có trụ sở đăng ký kinh doanh tại 131 Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội). Người đại diện theo pháp luật kiêm CEO của công ty hiện nay là ông Bùi Anh Tuấn (sinh năm 1984). Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký kinh doanh là: lập trình máy vi tính.
Ngay năm đầu thành lập, OEG trong vai trò nhà tổ chức đã đồng hành cùng với VTC và Microsoft triển khai hệ thống các giải đấu dành cho AOE tại Việt Nam. Cuối năm 2023, tại OEG Stadium (TTTM Chợ Mơ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) OEG, kdKOO và The Match Lab đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển toàn diện Thể thao điện tử tại Việt Nam với sự ra mắt dự án Esports Academy.
Đại diện OEG phát biểu trong sự kiện Lễ ký kết chiến lược OEG với The Match Lab và kdKOO đào tạo Esport Academy. Nguồn: TL |
Quá trình tìm hiểu cho thấy, dù được quảng cáo rầm rộ với tham vọng lớn nhưng quy mô của OEG thực chất khá khiêm tốn. Công ty này có vốn điều lệ 10 tỷ trong khi tổng tài sản chỉ 7,7 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022. Ngoài 2,4 tỷ tiền mặt, phần lớn tài sản của OEG nằm ở khoản mục chi phí trả trước dài hạn khoảng 4,2 tỷ đồng, chiếm gần 55%.
Về phía nguồn vốn, OEG có phát sinh khoản phải trả khác gần 1,4 tỷ đồng. Đây là khoản mục có số dư đáng kể nhất trong tổng nợ phải trả của công ty. Vốn chủ sở hữu của OEG tại ngày cuối năm 2022 ở mức 6,3 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 10 tỷ đồng, chủ yếu do công ty này lỗ luỹ kế gần 3,7 tỷ.
Đáng chú ý, ngay trong năm đầu thành lập, OEG đã lỗ gần 3,7 tỷ đồng – “ăn mòn” hơn 1/3 vốn điều lệ; nguyên nhân là bởi doanh nghiệp này lãi chỉ vỏn vẹn gần 79 triệu đồng nhưng phải gánh chi phí quản lý doanh nghiệp lớn.