Công ty cổ phần Tasco (mã ck: HUT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần đạt gần 227 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động thu phí đạt 184 tỷ đồng, chiếm 81% tổng doanh thu; còn lại là doanh thu bất động sản, cung cấp dịch vụ…
Tuy nhiên một loạt chi phí bán hàng, chi phí lãi vay trong 3 tháng gần nhất của công ty tăng cao đột biến, khiến Tasco ghi nhận lỗ ròng 49 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của "ông trùm" BOT này.
Bản báo cáo tài chính cũng chỉ ra trong quý II, Tasco còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 107 tỷ đồng (tăng 10 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 5.243 tỷ đồng (giảm 168 tỷ đồng). Tổng vay nợ thuê tài chính 5.350 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn.
Lý giải việc vì sao lợi nhuận của HUT âm, lãnh đạo Tasco cho biết, nguyên nhân là do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng cao. Nhóm chi phí này tăng chủ yếu tại Công ty TNHH thu phí tự động VETC do thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HUT ghi nhận doanh thu tăng 34,9% so với cùng kỳ, đạt gần 463 tỷ đồng. Chi phí lãi vay gia tăng mạnh, cộng thêm chi phí hoạt động khiến lợi nhuận sau thuế của Tasco âm hơn 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là âm 9,2 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản HUT đạt hơn 9.900 tỷ đồng, giảm 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt hơn 6.100 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt gần 1.136 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 785,7 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng tài sản.
Tasco là một trong những đơn vị đầu ngành xây dựng và đầu tư về hạ tầng giao thông và bất động sản. Công ty này được mệnh danh "trùm BOT" với nhiều dự án như cải tạo nâng cấp quốc lộ 10, đoạn qua TP Hải Phòng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 qua Quảng Bình (BOT); dự án đầu tư đoạn Phủ Lý – Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định... Dự án thu phí không dừng – VETC đang được triển khai rộng khắp trên cả nước.
HUT cũng là “ông trùm” của các dự án bất động sản như khu đô thị sinh thái phía Tây Nam Hà Nội – Foresa Villa; Tòa nhà South Building – khu đô thị Pháp Vân, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ Bộ Ngoại Giao.