Tàu thăm dò đã đi được 163 ngày, kể từ khi được phóng vào tháng 7 năm ngoái, hiện cách Trái đất khoảng 130 triệu km, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc.
Theo cơ quan vũ trụ Trung Quốc đến nay Thiên vấn-1 đã thực hiện 3 lần chỉnh sửa quỹ đạo cũng như thử nghiệm thiết bị. Họ cho biết tàu thăm dò vẫn ở trong tình trạng tốt khi tiếp tục hành trình tới Sao Hỏa và còn cách đích đến 8,3 triệu km.
Nếu Thiên Vấn-1 tiếp cận thành công quỹ đạo "hành tinh đỏ" vào tháng 2 theo lịch trình, nó sẽ cách Trái đất 190 triệu km và sẽ phải đi hơn 500 triệu km để đến đó.
Tàu vũ trụ sẽ hạ cánh trên bề mặt Sao Hỏa vào tháng 5 và sẽ phóng một tàu thám hiểm dự kiến hoạt động trong khoảng 90 ngày.
Hai tàu thăm dò khác cũng đang trên đường đến Sao Hỏa, một tàu mang tên Hy vọng của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và tàu còn lại mang Kiên trì của Mỹ. Cả 3 tàu vũ trụ đều được phóng lên Sao Hỏa vào tháng 7 năm ngoái.
Sứ mệnh Thiên Vấn-1 là một phần trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc, bao gồm xây dựng một trạm vũ trụ. Gần đây nhất, tàu vũ trụ Hằng Nga 5 của nước này đã quay trở lại Trái đất vào tháng 12 sau khi lấy được 1,73kg mẫu đá từ Mặt trăng.
Tháng trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ phóng module cốt lõi của trạm vũ trụ thường trực đầu tiên vào mùa xuân năm nay và hoàn thành vào năm 2022.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi thiết lập một trạm vũ trụ lớn như vậy", Zhou Jianping, nhà thiết kế chính của chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, nói với đài truyền hình CCTV hôm Chủ nhật. "Chúng tôi sẽ khởi động tàu chở hàng và tàu chở người sau khi module cốt lõi đi vào hoạt động trên quỹ đạo. Chúng tôi sẽ xác minh thêm công nghệ quan trọng của trạm vũ trụ, bao gồm công nghệ cho phép các phi hành gia tiến hành các hoạt động bên ngoài tàu vũ trụ”.
Các phi hành gia hiện đang được đào tạo cho dự án Trạm Không gian Thiên Cung và sẽ thực hiện các nhiệm vụ thu hồi và thử nghiệm các công nghệ trên quỹ đạo.