Nhà sản xuất nhựa Nhật Bản Kuraray trong tháng này đã mở nhà máy đầu tiên tại Thái Lan.
Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch Kawahara Hitoshi của công ty Kuraray cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô muốn có một chuỗi cung ứng trong khu vực".
Nhà máy mới của Kuraray là một trong những dẫn chứng cho thấy ngành sản xuất xe điện đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á. Hyundai Motor của Hàn Quốc đã bắt đầu sản xuất xe điện tại khu vực vào năm ngoái và hãng BYD của Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu lắp ráp xe tại Thái Lan vào năm 2024.
Khoảng 520 triệu USD đã được đầu tư vào nhà máy Kuraray, một liên doanh với công ty hóa dầu Thái Lan PTT Global Chemical và công ty thương mại Nhật Bản Sumitomo Corp.
Nhựa hiệu suất cao Genestar của Kuraray có khả năng chịu nhiệt cao hơn các loại nhựa tiêu chuẩn và được sử dụng cho các bộ phận điện áp cao xung quanh ắc quy xe. Genestar được sản xuất tại Nhật Bản, nhưng nhà máy mới ở Thái Lan sẽ tăng gấp đôi sản lượng hàng năm lên 26.000 tấn.
Ông Kawahara cho biết công ty sẽ xem xét đầu tư thêm vào Thái Lan vào khoảng năm 2026 với quy mô tương đương với nhà máy mới khai trương.
Vào tháng 3, nhà sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản Murata Manufacturing cho biết họ đã hoàn thành một nhà máy sản xuất tụ gốm nhiều lớp ở tỉnh Lamphun, miền Bắc Thái Lan.
Tụ gốm nhiều lớp giúp ổn định dòng điện bên trong thiết bị. Có thể cần tới 10.000 tụ gốm trong một chiếc xen điện. Murata, công ty hàng đầu thế giới về các tụ điện này, có kế hoạch tăng khả năng cung cấp ở Đông Nam Á.
Trong năm 2022, Thái Lan đã đưa ra các ưu đãi để thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Nhật Bản đã hưởng ứng.
Công ty BYD có kế hoạch mở một nhà máy vào năm tới với sản lượng hàng năm là 150.000 xe. Great Wall Motor đã thâm nhập thị trường Thái Lan và MG Motor thuộc sở hữu của SAIC Motor cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại quốc gia này.
Các nhà sản xuất phụ tùng Nhật Bản coi BYD và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác là những khách hàng tiềm năng. Toyota Motor và Honda Motor có kế hoạch sản xuất xe điện ở Thái Lan nhưng có khả năng sẽ bắt đầu ở quy mô nhỏ.
Khi nói đến pin dành cho xe điện, các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang nhắm đến Indonesia, vốn là quốc gia giàu tài nguyên và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai trong khu vực.
Công ty Contemporary Amperex Technology, vốn là nhà sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư tới 6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy liên doanh tại Indonesia vào năm 2026 và thiết lập dây chuyền sản xuất bao gồm khai thác niken, một nguyên liệu thô quan trọng cho pin.
Ngoài ra, công ty LG Energy Solution của Hàn Quốc sẽ thành lập một nhà máy sản xuất pin ở Indonesia cùng với Hyundai.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và châu Âu chủ yếu nhập khẩu xe điện được sản xuất tại quốc gia của họ để bán ở Đông Nam Á.
"Sản xuất trong khu vực sẽ trở thành tiêu chuẩn kể từ bây giờ, bao gồm cả ở Đông Nam Á. Các nhà sản xuất ô tô sẽ cần tổ chức lại mạng lưới cung ứng của họ xung quanh xe điện", chuyên gia Miyakoshi Akira thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết.
Hơn 1.000 nhà sản xuất phụ tùng Nhật Bản được cho là đang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng chỉ một số ít tham gia vào mạng lưới cung ứng liên quan đến xe điện. Đó là bởi vì các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từ lâu đã tập trung vào việc chế tạo các động cơ đốt trong sử dụng nhiều bộ phận tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Khi ngành công nghiệp ô tô hướng tới chuyển sang sử dụng điện, trước tiên họ tập trung vào xe lai xăng và điện (hybrid), trong khi các đối thủ tiếp tục phát triển xe điện hoàn chỉnh.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thị phần khoảng 90% tại Indonesia và Thái Lan. Nhưng đối với xe điện, một số công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang thống trị hai thị trường này.
Chỉ có 20.000 xe điện được bán ở Indonesia và Thái Lan vào năm 2022, nhưng việc chuyể đổi phương tiện có thể tăng tốc nhanh hơn dự kiến.
Khi sản lượng địa phương của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lên, các nhà sản xuất pin từ Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ thúc đẩy việc tạo ra các mạng lưới cung ứng ở Đông Nam Á.