Sau hành trình dài, cuối cùng chúng tôi đã tới nhà a Đào Văn Du ở xã Sốp Cộp, huyện miền núi Sơn La. Anh Du từ dưới xuôi lên Sốp Cộp làm kinh tế mới từ hơn chục năm trước. Anh kết hôn với một người con gái dân tộc Thái và yên tâm định cư hẳn ở nơi này. Vì thế anh tự tin, thấy mình ít nhiều cũng hiểu và yêu Sốp Cộp như một người bản địa.
Mâm cơm tối mà vợ chồng anh Du thiết đãi khách quý vô cùng đặc biệt. Một đĩa đùi gà luộc vàng ươm, thơm nức mùi gừng. Tiếp tới đĩa lòng gà xào với thứ hoa màu nhan nhác tím. Chẳng để chúng tôi đoán già, đoán non, anh Du bật mí: Đây là hoa ban xào – thứ đặc sản mà những người dưới xuôi như chúng tôi – có cất công tìm kiếm hay bỏ tiền ra cũng chẳng thể dễ dàng được thưởng thức ở Thủ đô.
Những món ăn được chế biến từ hoa ban thật hấp dẫn. Ảnh internet
Quả có như vậy. Hơn 30 tuổi, lần đầu tiên tôi mới biết đến món hoa ban xào. Ăn thử thấy hoa có vị chua chua, dịu dịu, thêm chút ngọt bùi của lòng, mề, gan gà thật hấp dẫn. Cuối cùng vợ anh Du bê lên đĩa thân gà hấp lá chanh nóng hổi. Anh Du kể, đây là cách chế biến đặc trưng theo từng công đoạn của người dân nơi đây. Gà tuốt lông xong cắt riêng hai cái đùi luộc trước, sau đó mổ lấy lòng gà xào hoa ban, cuối cùng là hấp cả con gà. Chủ và khách cứ ăn lần lượt từng món như vậy, vừa nóng hổi, vừa có ngụ ý cầu đầy đủ, tươm tất, ăn mãi mà không hết.
Ngoài xào với lòng gà, hoa ban còn có thể chế biến thành nhiều món ăn nữa, món nào nghe kể cũng thấy thú vị. Vào mùa hoa ban nở nhiều, những người phụ nữ Thái có thể hái hoa ban rồi đem ra chợ bán. Nhưng thường thì trai gái Tây Bắc thích cùng nhau vào rừng, thưởng hoa ban rồi tự tay ngắt hoa, bỏ vào giỏ mang về nhà mở tiệc ăn mừng mùa hoa ban nở.
Hoa ban có thể nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt, măng chua. Chẳng hạn món măng đắng nộm hoa ban đã trở thành đặc sản mà bất kỳ ai lên Tây Bắc cũng muốn thử qua. Không phải ngẫu nhiên mà bà con vùng cao kết hợp măng đắng với hoa ban. Măng đắng sắt nhỏ ngâm nước muối rồi trần với nước sôi, để ráo. Hoa ban chọn những bông hoa tươi nguyên, cánh hoa dày, lành lặn. Cá suối tươi, sau khi nướng trên than củi thì gỡ lấy thịt. Ba nguyên liệu ấy, trộn cùng nước chanh, tỏi, ớt, rau thơm…Chỉ cần ăn một miếng nộm măng đắng hoa ban thôi, thực khách sẽ thấy được cả vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi… cũng giống như đủ vị của một đời người.
Chị Hạnh, vợ anh Du bật mí, nghe tả thì dễ vậy, nhưng chế biến hoa ban lại rất công phu. Theo tiếng Thái, hoa ban có nghĩa là hoa ngọt. Để giữ được màu sắc, độ giòn, ngọt tự nhiên của hoa, người con gái Thái tách lấy cách hoa và nhụy hoa tim tím rồi trần với nước nóng. Sau đó, hoa ban mới được đem đi chế biến, thêm gia vị tùy theo đó là món gì. Bây giờ một số nhà hàng ở Tây Bắc còn đưa vào thực đơn thêm món hoa ban xào với hành tỏi, ăn có vị chua chua rất hợp khẩu vị, như một điểm nhấn để du khách dưới xuôi nhớ tới nhà hàng của mình…
Hoa ban đã đi vào đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của người dân Tây Bắc, nhất là đồng bào dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Thông thường, vào đầu tháng Ba, khi hoa ban nở bà con sẽ phát mương làm rẫy. Đến đầu tháng Tư, lúc hoa ban tàn thì bà con tra hạt.
Các cô gái Thái còn hái hoa và búp lá ban non đem về phơi khô, sắc làm thuốc trị ho khan, viêm họng
Gắn bó với bà con nên hoa ban luôn là món quà mang nhiều ý nghĩa. Những dịp Tết đến xuân về, trong những thức quà Tết biếu nhà vợ ở Mường Tè, Pắc Luông, ngoài bánh chưng, đánh đuôi én, bánh trứng kiến, kiểu gì cũng phải có thêm cành hoa ban mới tỏ rõ lòng thành con rể với bố mẹ vợ.
Cũng như vậy, vào mỗi dịp đặc biệt trong năm như giỗ chạp, lễ, Tết… trong mâm cỗ cũng của người Thái không thể thiếu các món ăn từ hoa ban. Các cô gái Thái còn hái hoa và búp lá ban non đem về phơi khô, sắc làm thuốc trị ho khan, viêm họng…Còn chàng trai Thái lấy gỗ ban đóng đồ gia dụng trong nhà. Người Thái cũng hay cài những nhành hoa ban đẹp lên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành. Họ cho rằng, hoa ban vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái… nên phải nâng niu, trân trọng.
Đang ngồi chơi với vợ chồng anh Du, chúng tôi bỗng thấy bóng hoa ban rung rinh lấp ló trước nhà. Thì ra, nghe tin nhà anh Du có khách quý dưới xuôi lên chơi, mấy gia đình quanh đó đã mang mấy cành hoa ban tới tặng. “Người dân ở đây là vậy, rất trọng tình nghĩa và hiếu khách. Hoa ban giúp họ thể hiện tấm lòng đó. Chỗ hoa ban này, đủ để ngày mai, chúng ta làm thêm mấy món ngon và lạ nữa rồi” – anh Du cười vang.
Hùng Đinh