Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam Đàn, Nghệ An - Ảnh: Khuditichkimlien.gov |
Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh (Nghệ An) 13km, ta sẽ đến được Khu Di tích Kim Liên quê hương nội, ngoại của Bác Hồ. Khu Di tích bao gồm 4 cụm chính: khu quê ngoại (làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa), khu quê nội (làng Sen), núi Chung (xã Kim Liên) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan thuộc xã Nam Giang.
Làng Sen quê nội Bác
Hồ Sen đầu làng vào nhà Bác, ngát hương sen đầu hè Ảnh: MizeroG |
Làng Sen, ngôi làng với tên gọi thân thương này, ngày nay đã trở thành một trong những biểu tượng của làng quê Việt Nam. Quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen.
Du khách sẽ phải ngỡ ngàng với vẻ đẹp và sự thanh bình của nơi này. Sen ở đây mang một vẻ đẹp tinh khiết và mang một hương thơm ngào ngạt quyến rũ một cách kỳ lạ. Trong cái nắng hè oi ả, những búp sen như góp phần làm dịu đi cơn nóng, mang đến một làn không khí làng quê trong trẻo, êm đềm.
Giếng Cốc tại Làng Sen Ảnh: khudulichkimlien.gov |
Ngay từ đầu làng có một hồ sen, cứ mỗi độ hè về tỏa hương sen thơm mát cả một vùng. Qua hồ sen một khoảng là đến giếng Cốc – một cái giếng đất đơn sơ trông giống như một cái ao nhỏ. Nơi đây, thuở còn thơ ấu, Bác Hồ thường ra lấy nước, câu cá và vui chơi cùng bè bạn.
Toàn cảnh ngôi nhà 5 gian của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: khudulichkimlien.gov |
Lịch sử ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Phuongleta |
Những vật dụng trong ngôi nhà của Bác Ảnh: Phuongleta |
Ngôi nhà gianh lịch sử là cụm di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên – được xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước, cùng nhiều hạng mục cấu trúc khác, được nâng cấp và tôn tạo nhiều lần.
Hình ảnh Bác về thăm nhà. Ảnh Internet |
Trong những năm tháng ở tuổi thiếu niên (từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906), Bác Hồ đã sống trong ngôi nhà này. Sau 50 năm xa cách quê nhà, Bác Hồ đã trở về thăm quê làng Sen hai lần vào năm 1957 và 1961.
Làng Hoàng Trù quê ngoại Bác
Cách làng Sen khoảng 2km là quê ngoại của Bác – làng Hoàng Trù. Hoàng Trù là cái nôi văn hóa đồng quê xứ Nghệ. Làng Hoàng Trù xưa có tên Nôm là Cồn Trùa sau thành làng Chùa. Đến cụm di tích Hoàng Trù, sau cánh cổng tre rộng mở là lối đi giữa hai bờ dậu dẫn chúng ta đến một ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thuộc, giống những ngôi nhà của cư dân vùng này thuở trước.
Ngôi nhà là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Bác- Ảnh: Xuân Tám |
Núi Chung, nơi kéo co, đánh trận giả, thả diều, vui chơi thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: VOV |
Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình.
Cây mít phía sau nhà Bác đã trăm năm tuổi vẫn xanh mát Ảnh: Mytour.vn |
Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.
Ở làng Sen xưa có phần mộ của cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác. Vào năm 1942, người anh ruột của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đưa hài cốt cụ bà lên an táng tại núi Động Tranh, cách làng Sen chừng 5km. Năm 1985, nhân dân Nghệ An đã xây phần mộ cụ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Từ chân núi leo lên gần 300 bậc bằng đá là lên đến phần mộ cụ bà. Phần trên mộ có mái che là dàn bê tông được cách điệu như hình chiếc khung cửi. Đường lên, một bên là thảm cỏ xanh chạy dọc theo sườn núi với dãy lan can có hình những thân tre uốn lượn theo nếp núi.
Phần mộ cụ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Ảnh VOV |
Mộ bà có hình cách điệu một bông sen và được ốp bằng đá trắng quỳ hợp. Chân mộ, thành mộ được ốp bằng đá đen kim sa Ấn Độ. Đầu mộ là bức cuốn thư dài hơn 7 m, cao 4,25 m được ghép từ năm phiến đá trắng hạt mịn lấy từ tỉnh Yên Bái. Cuốn thư được chạm khắc các hoa văn cách điệu hình mây, hoa và lá sen. Mái che mộ vừa có kiến trúc theo kiểu mái đình truyền thống vừa được cách điệu như một khung cửi.
Phong phú các hoạt động Lễ hội Làng Sen năm 2015
Năm 2015 là tròn 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), để tưởng nhớ về Bác người cha già kính yêu của dân tộc, lễ hội Làng Sen 2015 sẽ được tổ chức tại tỉnh Nghệ An từ ngày 15/5 đến 20/5 với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang đậm văn hóa xứ Nghệ, tạo ấn tượng sâu sắc, thiêng liêng, thành kính.
Lễ hội Làng Sen năm 2014. Ảnh: Internet |
Rước ảnh Bác tại Lễ hội làng Sen năm 2014- Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Lễ hội Làng Sen với những chương trình văn nghệ đặc sắc Ảnh: Internet |
Tâm điểm của Lễ hội Làng Sen là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen được tổ chức xuyên suốt trong những ngày diễn ra lễ hội. Liên hoan năm nay thu hút 30 đoàn nghệ thuật cả nước với hàng trăm diễn viên, trong đó có hai đoàn nghệ thuật đến từ hai nước bạn Lào và Thái Lan, nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc trong quá trình hoạt động cách mạng bí mật trước đây, hoặc có di tích liên quan đến Người. Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm nay càng thêm có ý nghĩa khi hát ví giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong thời gian diễn ra Lễ hội Làng Sen năm 2015,cầu truyền hình với chủ đề "Bác Hồ tình yêu bao la" cũng sẽ được kết nối, điều này làm cho lễ hội có sức lan tỏa rộng khắp.
Xem thêm:
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đô thị du lịch Vũng Tàu
Hang Sơn Đoòng lên sóng trực tiếp trên kênh truyền hình ABC của Mỹ