Theo người đứng đầu NOAA Rick Spinrad, thông thường tháng 7 vẫn luôn là tháng nóng nhất trong năm của thế giới, song tháng 7 năm nay lại là một tháng 7 nóng nhất. NOAA chỉ rõ châu Á vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, vượt qua độ nóng của năm 2010, trong khi độ nóng của châu Âu trong tháng 7 vừa qua chỉ xếp thứ 2, sau độ nóng kỷ lục của năm 2018.
Báo cáo NOAA cho biết nhiệt độ bề mặt mặt đất và mặt biển hiện đã tăng thêm 1,67 độ F (0,93 độ C) so với nhiệt độ trung bình 60,4 độ F của thế kỷ 20, biến tháng 7 trở thành tháng nóng nhất kể từ khi dữ kiện này bắt đầu được ghi chép cách đây 142 năm.
So với nhiệt độ của những tháng 7 nóng nhất được ghi nhận trong những năm 2016, 2018 và 2019, nhiệt độ của tháng 7 năm nay cao hơn 0,02 độ F.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 7 là tháng có nền nhiệt độ cao thứ 3 của thế giới. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đánh giá tháng 7 là tháng nóng thứ 2 trong lịch sử ghi nhận.
Lý giải sự khác biệt này, ông Zeke Hausfather, nhà khoa học chuyên về khí hậu thuộc Viện Breakthrough cho rằng giữa các cơ quan có sự chệnh lệch nhỏ về số liệu tổng hợp không phải là điều bất thường. Bởi phạm vi mà NOAA thu nhập dữ liệu còn nhiều hạn chế tại khu vực Bắc cực.
Song theo ông, dù là kết quả nào cũng đều phản ánh một thực trạng rằng độ nóng mà Trái Đất trải qua trong mùa Hè này rõ ràng là hậu quả của biến đổi khí hậu do các loại khí thải sản sinh từ hoạt động của con người.
Ông nhấn mạnh thế giới đang liên tục chứng kiến thảm họa tự nhiên, từ các đợt nắng nóng kỷ lục, tới mưa bão và cháy rừng. Tất cả những thảm họa này sẽ còn tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng cho đến khi thế giới có thể đạt trung hòa khí thải carbon và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác.