Đầu tuần này, Liên hợp quốc (LHQ) công bố báo cáo cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu đang gần vượt mức giới hạn mà các nước cho là cần thiết để ngăn chặn những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho rằng thách thức hiện nay là đảm bảo tất cả các nền kinh tế lớn đề ra các mục tiêu tham vọng cho năm 2030 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) cũng như các cam kết về trung hòa khí thải.
EU và Mỹ trong năm nay đều đặt ra các mục tiêu cao hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đưa Mỹ trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050, trong khi 27 quốc gia EU đã đưa mục tiêu này vào luật khí hậu được thông qua vào cuối tháng 6/2021. Luật cũng quy định việc cắt giảm ròng lượng khí thải vào năm 2030 ít nhất là 55% so với năm 1990.
COP26 được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.