Nhìn lên bức tường cao hơn 18m tại sảnh trung tâm của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) tại New York, nghệ sĩ Otobong Nkanga không khỏi phấn khích.
“Tôi đã nhiều lần nhìn lên và rồi tự hỏi: "Đâu mới là điểm kết thúc của bức tường này?'”, bà Nkanga thốt lên. Nữ nghệ sĩ chia sẻ, bà luôn mong muốn làm việc ở những không gian có độ thử thách cao và tin rằng đây là địa điểm độc đáo nhất mà bà từng trải nghiệm.
Đó là phản ứng đầu tiên của bà Nkanga khi đến thăm không gian Bảo tàng MoMA cùng giám tuyển Michelle Kuo. MoMA sau đó đã ngỏ lời mời nữ nghệ sĩ sáng tạo một tác phẩm lớn cho khu vực tầng hai của bảo tàng. Tác phẩm mang tên "Cadence" dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 10/10/2024, kéo đến ngày 8/6/2025.
Cũng tại không gian bảo tàng, nghệ sĩ Nkanga đã cất tiếng hát ngân nga đầy ngẫu hứng, bắt đầu với tông giọng cao và kết thúc với thanh âm trầm lắng. “Bằng cách nào mà giọng nói có thể vọng lại từ các bức tường và vang dội khắp không gian. Rốt cuộc đích đến của chúng là ở đâu? Nó cũng tựa như ánh sáng vậy, điểm kết luôn là điều đáng để tò mò", bà tâm sự.
Giọng hát của nữ nghệ sĩ cũng chính là một phần đặc trưng trong các tác phẩm sắp đặt thị giác của bà. Những tác phẩm ẩn chứa đầy sự đối lập. Đôi lúc nó vừa mang tính hoài niệm, vừa hướng tới tương lai, có lúc u ám nhưng cũng đầy sự lạc quan, tích cực. Các tác phẩm của nghệ sĩ Otobong Nkanga thường được kết hợp từ nhiều loại hình khác nhau bao gồm mỹ nghệ, tranh vẽ, ảnh và gốm, đôi khi đi kèm cả các yếu tố về giác quan, mùi hương từ thảo mộc và tinh dầu.
“Tác phẩm của tôi kết nối tất cả những yếu tố, thể hiện rằng chúng đều có mối liên kết mật thiết với nhau”, nữ nghệ sĩ Nkanga chia sẻ.
Nghệ sĩ Nigeria Otobong Nkanga. |
Ngoài việc nhận lời mời hợp tác với MoMA, bà còn được vinh danh là người đoạt giải Nasher 2025, một trong những giải thưởng danh giá nhất về nghệ thuật điêu khắc đương đại. “Giari thưởng là sự ghi nhận cho những đóng góp của nghệ sĩ Otobong Nkanga cho lĩnh vực nghệ thuật mà bà đã dành nhiều năm cống hiến”, ông Alex Logsdail, Giám đốc điều hành Lisson Gallery nhấn mạnh.
Các tác phẩm của bà là kết quả của sự nghiên cứu và nghiền ngẫm kỹ lưỡng. Nữ nghệ sĩ thường tập trung vào nguồn gốc của các vật liệu được sử dụng trong mỗi tác phẩm. Một số chủ đề mà Nkanga thường theo đuổi là hoạt động khai thác mỏ cũng như các hình thức khai thác khác, bao gồm cả sự "lưu thông" của các loại tài nguyên thiên nhiên.
Mặc dù những đề tài này khi nghe qua có thể gợi cảm giác khô khan, nhưng nghệ sĩ Nkanga lại có cách tiếp cận rất nhẹ nhàng và vô tư. Bà luôn phản ánh những vấn đề môi trường nhức nhối qua các tác phẩm của mình một cách rực rỡ và sống động, kèm một chút "lấp lánh" và truyền tải thông điệp rõ ràng.
“Nghệ sĩ Otobong Nkanga là một trong những nghệ sĩ có khả năng kết nối địa cầu, lịch sử và tâm linh”, giám tuyển Joachim Naudts nhận xét. Những yếu tố này đều có ý nghĩa thời đại bởi chúng liên quan đến khí hậu và việc tìm kiếm ý nghĩa mới cho nhân loại. Đây không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật để ngắm nhìn, mà còn là nghệ thuật của hiện thực, mang tính xã hội cao.
Tác phẩm sắp đặt “Double Plot” (2018) tại Bảo tàng Kröller-Müller, Hà Lan. |
Nói cách khác, những tác phẩm của nghệ sĩ Otobong Nkanga phản ánh chính cuộc đời bà, khi từng có thời gian sinh sống ở cả khu vực châu Phi và châu Âu. Đây là nơi bà chứng kiến sự chia rẽ và gắn kết giữa hai lục địa này.
Bà Nkanga sinh năm 1974 tại thành phố Kano và lớn lên ở thành phố Lagos, Nigeria. Đến năm 1985, cả gia đình bà chuyển đến Paris, Pháp, và theo học tại trường Quốc tế Anh ở Paris. Cũng tại ngôi trường ấy, cô giáo môn Mỹ thuật Diana Schops nhớ như in về một học sinh đặc biệt, với “một tia sáng thực sự”.
“Nkanga như một tia sáng thực sự. Cô ấy thích thú với mọi loại hình, dù là điêu khắc, vẽ tranh hay in ấn”, bà Diana Schops (80 tuổi), giáo viên cũ môn mỹ thuật của nữ nghệ sĩ nhận xét. Bà Schops còn chia sẻ thêm rằng học trò của mình luôn cam kết hoàn thành công việc 100%, và thậm chí còn nỗ lực đạt kết quả 200% mong đợi.
Năm 1990, gia đình bà Nkanga quay trở lại Nigeria. Bà nhận công việc tại một trường công ở Lagos và kiếm thêm thu nhập bằng cách làm các loại vải batik nhuộm thủ công bán cho các nhà thiết kế quốc tế. "Tôi thường vẽ trên vải bằng sáp, và sau đó tô màu. Công việc này kéo dài đến 3 giờ sáng”, bà Nkanga chia sẻ.
“Tôi luôn muốn trở thành một nghệ sĩ, nhưng đó không phải là điều có thể dễ dàng chia sẻ vào thời điểm khi tôi còn trẻ. Lúc đó, quan sát xung quanh, tôi không thấy có bất kỳ nữ nghệ sĩ châu Phi nào”, nghệ sĩ Otobong Nkanga cho biết.
"Sự ủng hộ từ gia đình đã truyền cảm hứng để tôi quyết định chọn theo đuổi con đường nghệ thuật. Tôi luôn nhớ lời khuyên của mẹ: "Nếu lựa chọn nghệ thuật, con cần có niềm đam mê, sự kiên định và bền bỉ”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Bà Nkanga sắp đặt tác phẩm “Cadence” tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA). |
Tác phẩm thể hiện rõ nhất tầm nhìn toàn cầu của nghệ sĩ Nkanga là "Carved to Flow," ra mắt tại triển lãm Documenta vào năm 2017. Đó là một phòng thí nghiệm tương tác tại chỗ và trực tiếp sản xuất những viên xà phòng trông như viên đá cẩm thạch đen.
Những viên xà phòng, được phát triển ở Hy Lạp, chứa than, cùng với dầu và bơ từ khắp khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc và Tây Phi. Trong một triển lãm khác, xà phòng được sử dụng tạo thành những bức tường của các pháo đài. Tác phẩm vừa có giá trị thảo luận giữa các nhà phê bình chuyên nghiệp, vừa mang giá trị thương mại khi mở bán xà phòng cho khán giả đến chiêm ngưỡng.
Bà Nkanga cho biết "Carved to Flow" là một tác phẩm mang tầm quốc tế với mục tiêu giải quyết vấn đề toàn cầu dựa trên các giải pháp thực tế. Bà gọi đó là "sự đề xuất thay thế cho hệ thống đang được gìn giữ".
Theo Giám tuyển Jed Morse, Quyền Giám đốc Trung tâm Điêu khắc Nasher, tác phẩm này đã gây ấn tượng đặc biệt với Hội đồng trao giải Nasher, giúp nữ nghệ sĩ này giành được danh hiệu cao nhất. "Cô ấy suy nghĩ rất sâu sắc về các chất liệu và cách chúng kết nối với cuộc sống của chúng ta. Điều đó đánh trúng vào trái tim của nghệ thuật điêu khắc", ông Morse nhận xét.
Sự say mê của nghệ sĩ Otobong Nkanga về cách "mọi thứ đều được kết nối," đã phát triển theo thời gian. Các tác phẩm đầu tiên của cô liên kết việc khai thác khoáng sản ở một quốc gia với ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm ở quốc gia khác. Từ đó có một ảnh hưởng nhất định đến các tiêu chuẩn sắc đẹp và sức khỏe toàn cầu. Hiện tại, cô đang tạo ra những kết nối rộng lớn hơn và trừu tượng hơn, như cách nỗi đau cũng có thể trở thành một hệ sinh thái riêng.
Chi tiết tác phẩm “Cadence” của nghệ sĩ Otobong Nkanga. |
Tác phẩm của bà tại MoMA, “Cadence”, lập luận rằng thế giới hiện tại, sau đại dịch Covid-19, được kết nối qua sự mất mát và hy sinh.
Phần chính của tác phẩm là một tấm thảm dệt xa hoa bằng sợi lấp lánh, gợi nhớ đến những tấm vải dệt mạ vàng thời trung cổ, bao phủ bức tường cao hơn 18m. Hai nhân vật, đứng ở trung tâm, quay lưng quay lại phía khán giả. Trước mặt họ là một quả cầu cam, mô tả cảnh mặt trời mọc. Cảnh tượng trước mặt họ là các vụ nổ, bụi và mảnh vụn. Đó có thể là một sự kiện thiên văn tàn khốc hoặc cũng có thể là một khoảnh khắc khởi nguyên.
Từ trần nhà, những chiếc bát gốm làm bằng kỹ thuật nung raku của Nhật Bản được treo rơi. Chúng liên kết với những quả cầu thủy tinh thổi được buộc bằng dây thừng dày đan bằng tay. Bà Nkanga giải thích rằng những chi tiết ấy đại diện cho những giọt nước mắt có hình dạng cụ thể.
Nữ nghệ sĩ cho biết: "đó là trạng thái chuyển động chậm rãi của một giọt nước mắt." Bà muốn thể hiện chất liệu có trong những giọt nước mắt của chúng ta như là natri hydroxit và sắt. Với suy nghĩ đó, nước mắt được hình dung trở thành các tinh thể và được trình bày như một tảng đá anthracite trên mặt đất.
Ngoài ra bà cũng muốn mô phỏng lại âm thanh của giọt nước mắt. Nkanga đã tạo ra một tác phẩm gồm 10 đoạn ghi âm khác nhau được tích hợp vào các phần của tác phẩm điêu khắc treo lơ lửng. Bà tự mình thu lại những đoạn thơ ngắn, thở gấp, than khóc và tiếng cười. Những âm thanh này được vang vọng khắp không gian của MoMA.
Nữ nghệ sĩ giãi bày nỗi đau và cảm giác trống trải từ khi mất đi cha mẹ. “Tôi nghĩ về cách chúng ta đều mang theo những cảm xúc này, và rất nhiều gánh nặng, từ tất cả những gì chúng ta đã mất. Đây là một cách để biến nhiều thứ vô hình thành hữu hình. Nó mang hình dáng và âm thanh của những mất mát mà chúng ta muốn chia sẻ, một tình trạng chung của con người. Ngay cả những giọt nước mắt của chúng ta cũng là một hệ sinh thái", nghệ sĩ Otobong Nkanga chia sẻ.