Từ thế kỷ 19, Lamu đã tổ chức các lễ hội tôn giáo Hồi giáo lớn và đã trở thành một trung tâm quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa Hồi giáo và Swahili.
Có lịch sử hơn 700 năm, thành phố cổ Lamu với nhiều công trình kiến trúc cổ còn khá nguyên vẹn trải rộng trên diện tích hơn 16 ha. Cho đến nay, thành phố cổ này vẫn giữ khá nhiều được những kiến trúc từ thửa mới thành lập cách đây 700 năm. Quan trọng hơn nữa là tính toàn vẹn về văn hóa, xã hội của thành phố này đã được người dân duy trì, bảo tồn tốt. Hiện nay cư dân sống tại thành phố cổ Lamu vẫn duy trì tốt nếp sống được truyền qua nhiều thế hệ và những lễ hội truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Thành phố đặc trưng bởi những con hẻm nhỏ là lối dẫn vào khu phố ngoằn ngèo, sâu hun hút. Kiến trúc nhà dân tại Lamu không quá cầu kỳ nhưng vẫn đủ để nhận thấy sự tinh tế của các công trình này. Điều đặc biệt là có rất nhiều bức tường được làm bằng san hô, kiến trúc thành phố cổ Lamu có nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa châu Âu, Ả rập và Ấn Độ.
Các tòa nhà trên bờ biển với mái vòm và hiên mở tạo ra một kiến trúc đồng nhất. Trong khi các tòa nhà địa phương được trang trí nội thất với trần nhà sơn, hốc lớn (madaka ), hốc nhỏ ( zidaka ), và những mảnh sứ Trung Quốc. Các tòa nhà được bảo tồn tốt và mang một lịch sử lâu dài đại diện cho sự phát triển của công nghệ xây dựng Swahili, dựa trên san hô, vôi và cột rừng ngập mặn.
Trong thế kỉ 14, Lamu là một thành phố cảng nhộn nhịp và sôi động tàu thuyền cập bến. Còn giờ đây, phương tiện đi lại vẫn đơn giản, nói chính xác hơn là thô sơ. Đa số lựa chọn cách đi bộ. Lừa được sử dụng như một phương tiện chuyên chở hạng nặng. Khi màn đêm buông xuống, thành phố được thắp sáng bằng đèn lồng. Cảnh sắc của Lamu khi màn đêm buông xuống vì thế mà trở thành một hình ảnh riêng không nơi nào có được.
Vào thế kỷ 18 và 19, Lamu còn được coi là trung tâm tôn giáo quan trọng tại khu vực Đông và Trung Phi, thu hút các học giả về tôn giáo Hồi giáo và văn hóa Swahili. Ngày nay, Lamu như là là một hồ chứa lớn của nền văn hóa Swahili mà người dân giữ gìn và duy trì giá trị truyền thống của họ.
Năm 2001, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thị trấn cổ Lamu là Di sản Văn hóa thế giới.