Không chỉ bị “xẻ thịt” phía mặt tiền dọc theo các tuyến phố mà bên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đang bị “băm nát” lâu nay...
Hai căn nhà kính... trong Thảo Cầm Viên
Sáng một ngày cuối tháng 8/2020, có mặt tại vị trí hơn 4.700 m2 lâu nay mà Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho Công ty cổ phần Phú Hoàng Gia thuê với giá 150 triệu đồng/ tháng, nay chỉ còn là một khu vực hoang tàn với những đống xà bần, gạch đá… ít người qua lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc này một phần do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm nên doanh thu của Thảo Cầm Viên Sài Gòn sụt giảm mạnh, phần do khu vực này đang nằm trong quy hoạch xây dựng bãi xe ngầm nên vắng vẻ.
Tuy nhiên, người dân đang chưa kịp mừng vì hàng ngàn mét vuông đất công lâu nay bị chiếm dụng sai mục đích, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như cuộc sống của các loài thú thì thật bất ngờ, phóng viên Ngày Nay lại phát hiện 2 khu công trình nhà văn phòng xây dựng trái phép bên trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Vị trí hai toà nhà này nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cách mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai khoảng 25m tới 35m, được che chắn bởi cây cối, hàng rào cũng như Showroom ô tô phía trước nên khó phát hiện ra.
Hai khu nhà này được xây dựng theo kiểu lắp ghép, có kết cấu bằng kim loại, kính… mỗi khu bao gồm 1 trệt 1 lầu với tổng diện tích mỗi khu lên tới hàng trăm m2. Trong phòng được thiết kế thành nhiều khu vực có bàn ghế làm việc. Tại thời điểm chúng tôi có mặt đã ghi nhận được hàng chục người có tuổi đời từ 20 - 40 đang hăng say làm việc tại đây. Có nhóm thì thảo luận tổ, có nơi thì cá nhân đọc sách hoặc đang làm việc trên máy tính…
Khi nhận ra có người chụp hình, một nam thanh niên ngoài 20 tuổi đã tới “bắt chuyện”. Qua trao đổi chóng vánh, nam thanh niên này khẳng định: “Em là nhân viên của một công ty tư nhân, công ty em thuê mặt bằng của toà nhà này để làm nơi hoạt động làm việc, tính tới thời điểm này cũng đã được gần 1 năm. Mấy anh có thắc mắc gì thì cứ liên hệ với quản lý”.
Theo điều tra, khu vực này theo bản đồ quy hoạch không hiện diện 2 căn nhà nói trên, mà sẽ được làm bãi đậu xe ngầm, bên trên là khu vực bãi xe, nhà vệ sinh, khu dành cho thú trú ngụ. Không chỉ xây dựng hệ thống văn phòng làm việc, nơi này còn thiết kế hệ thống bãi giữ xe cho nhân viên của các đơn vị khác thuê văn phòng vào đây công tác…
Để che đậy công trình trái phép trên, phía ngoài có lắp biển hiệu của một quán cà phê thuộc Xí nghiệp kinh doanh tiếp thị Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Cho thuê công sản, trả bằng sơn Nippon
Khi có mặt tại cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn nằm gần Bảo tàng Địa Chất trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phóng viên Ngày Nay tiếp tục giật mình bởi một khu nhà được sơn phết màu khá rực rỡ. Nhìn kỹ thì nhận ra khu nhà này đang được giao cho một đơn vị khác sử dụng.
Đại diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn xác nhận, nơi đây đã được cho một đối tác khác thuê trong thời hạn 5 năm (từ 2015 đến nay). Theo đó, bên thuê “thanh toán” bằng cách trả lại sản phẩm sơn cũng như chi phí để cải tạo, sửa chữa màu sơn các công trình trong Thảo Cầm Viên. Tổng chi phí thế nào thì sẽ tổng hợp trả lời cho báo chí sau.
Đất công sản mang cho thuê mướn, trả bằng sản phẩm sơn - Chuyện tưởng đùa mà lại thật!. Ảnh: Nhóm PV tại TP.HCM |
Câu hỏi đặt ra là, một diện tích đất công với mục đích sử dụng phục vụ cho hoạt động của Thảo Cầm Viên nhưng lại đem cho thuê mướn có đúng với quy định không? Chưa kể mảnh đất có giá trị kim cương ngay giữa trung tâm thành phố nhưng giá cho thuê thế nào, việc quy đổi sản phẩm sơn liệu có minh bạch, rõ ràng?
Không chỉ bị “xẻ thịt” phía mặt tiền dọc theo các tuyến phố mà bên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đang bị “băm nát” lâu nay. Sau khi mua vé, bước vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn, theo cổng nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (góc đường Lê Duẩn), đập thẳng vào mắt chúng tôi nào là khu sân khấu trung tâm - nơi tổ chức các sự kiện lớn của Thảo Cầm Viên.
Chị N.M.T.P cho biết: “Cách đây ít lâu, khi đưa con vào Thảo Cầm Viên, mình không khỏi “sốc” vì vượn hót, chim kêu gần như lâu lâu mới có, còn khách du lịch thì như lạc vào một thế giới ôn ào với dàn loa khủng ở sân khấu trung tâm. Tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng người pha trò ầm ĩ khắp vùng”.
Chưa hết, khi đi theo con đường này, nhìn sang khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ thấy cả một khu “nhạc nước”, xa hơn là khu vui chơi thiếu nhi... Cũng theo trục đường trên, nếu đi sâu vào trong về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, du khách lại tiếp tực bắt gặp hàng loạt tụ điểm trò chơi khác như: khu xe đụng, xe điện, khu chơi cảm giác mạnh, khu vòng quay trên cao... nằm xen kẽ các khu chuồng thú. Tiếng nhạc, tiếng động cơ, âm thanh hỗn tạp vang vọng cả một khu vực đang nuôi nhốt thú phục vụ cho việc tham quan của du khách.
Vẫn biết, thú đưa về Thảo Cầm Viên là thú có thể đã, sẽ được thuần hóa phần nào nhưng không phải vì thế mà những nhà quản lý, chăm sóc ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm sao thì làm!
Theo chuyên gia động vật, ngày xưa, để xua đuổi thú cha ông ta vẫn thường sử dụng chiêng, trống, lửa... tức là những đồ vật có thể phát ra âm thanh, tiếng động lớn để xua đuổi chúng. Bởi với thú hoang, chỉ một tiếng động nhẹ, chiếc lá rơi cũng có thể khiến chúng hoảng sợ, giật mình. Vậy mà, không hiểu sao, với một Thảo Cầm Viên như vậy, người ta lại để cho những con thú phải chịu đựng, sinh sống, tiếp xúc bị tra tấn như vậy?
Động vật tại Thảo Cầm Viên dù có được thuần hoá, sinh ra trong môi trường “nhân tạo” nhưng bản chất của thú vẫn là hoang dã. Vậy mà, những con thú ở đây không còn cảnh “bình minh bên suối”, chiều tà và “uống ánh trăng tàn”.... Bởi khi bình minh ló dạng, bên kia kênh Nhiêu Lộc là cả một chung cư sừng sững. Hướng về phía đường Nguyễn Hữu Cảnh, chỉ nhìn thấy bức tường cao và toà nhà chọc trời. Chiều tà, những con thú có muốn ngắm nghía hoàng hôn cũng vô vọng vì phía đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã được che chắn tầm nhìn với nhiều toà nhà chọc trời bao quanh...
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, lịch sử của Thảo Cầm Viên, vườn bách thảo – sở thú có tuổi đời hơn 150 năm, tóm tắt như sau:
Ngày 23 tháng 3 năm 1864, nghị định xây dựng mở mang Vườn Bách Thảo12 ha trên vùng đất hoang ở phía đông bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây được bắt đầu. Tháng 3 năm sau (1865) thì một số chuồng trại đã xây xong.
Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương... J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), đã được mời sang làm giám đốc vào ngày 28/3/1865. Khi đó, Vườn Bách Thảo được nới rộng đến 20 ha. Ngày 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách Thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.
Năm 1924, khuôn viên của Vườn Bách Thảo sáp nhập thêm bên bờ bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927. Cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ.
Trong khi đó, hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn có hơn 1.300 cá thể, 144 loài động vật. Thưc vật có hơn 2.570 cây các loại... Như vậy, số lượng động thực vật tăng lên nhiều nhưng tổng diện tích dành cho động, thực vật thì đã bị thu hẹp lại.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn từng cho thuê hàng ngàn m2 giá rẻ!
Chỉ vào những đống xà bần đổ nát hoang tàn… như bình địa nằm dọc theo trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, một người dân cho biết, trước đây, khu vực này từng được Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho Công ty cổ phần Phú Hoàng Gia thuê 4.713m2 đất với giá chỉ 150 triệu đồng/tháng, được sử dụng để hoạt động kinh doanh từ 7 đến 24 giờ mỗi ngày. Điều đáng nói là Phú Hoàng Gia đã “nhượng lại” một phần mặt bằng họ thuê được từ Thảo Cầm Viên Sài Gòn đem cho hàng loạt đơn vị khác thuê lại để hưởng chênh lệch.
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, vào thời điểm trước và đầu năm 2018, một nhà hàng thuê lại 580 m2 đất (tức bằng 1/8 diện tích mà Phú Hoàng Gia thuê của Thảo Cầm Viên Sài Gòn) nhưng phải trả 120 triệu đồng/tháng phí thuê mặt bằng dưới tên gọi “chia sẻ doanh thu” cho bên Phú Hoàng Gia.
Bên cạnh đó, trên khu đất này khi đó còn có các đơn vị khác như Foody, Panda BBQ… cũng như hàng loạt ki ốt kinh doanh ẩm thực, thời trang, quầy lưu niệm, tại đây còn có một sân khấu cho thuê tổ chức các chương trình ca nhạc, tổ chức sự kiện, với giá lên tới 30 triệu đồng/buổi nằm trên diện tích đất mà Phú Hoàng Gia thuê.
Ở phía này còn có một bãi giữ xe đề biển “bãi giữ xe Thảo Cầm viên”, có thông báo quy định giữ ô tô cho khách tham quan công viên nhưng thực tế lối vào công viên khóa, bãi xe này nghiễm nhiên trở thành bãi xe của khu dịch vụ giải trí Rubik của Phú Hoàng Gia. Nhờ đó, Phú Hoàng Gia hưởng chênh lệch khá lớn từ việc cho thuê lại đất công viên.
Bài 4: Góc nhìn từ chuyên gia và bạn đọc về việc nuôi nhốt thú