Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Để chứng minh danh tính của bản thân, đặc biệt là trên các tài liệu quan trọng, những người ở thế kỷ 17 yêu cầu cần có hình thức xác minh khác bên cạnh chữ ký, do lo ngại chữ ký có thể dễ dàng giả mạo. Giải pháp được lựa chọn lúc bấy giờ là sở hữu một con dấu riêng.

Các nền văn minh cổ đại Cận Đông và Ai Cập đã phát triển ý tưởng về con dấu kim loại hoặc nhẫn signet ring ấn lên đất sét để niêm phong thư từ và tài liệu mật. Về sau, hình thức được du nhập, sử dụng bởi người Hy Lạp và La Mã.

Trong thời Trung cổ, các quốc vương, hoàng tử, Giáo hoàng, Hồng y và Giám mục, thị trấn hay tập đoàn đều có con dấu riêng. Con dấu được sử dụng thay cho chữ ký định danh, tạo nên tính xác thực, thẩm quyền, và thể hiện quyền lực, tương tự như ấn tín của vua chúa các nước Á Châu.

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 1

Con dấu thị trấn lâu đời nhất còn sót lại ở Anh có niên đại năm 1091 và nằm trên Hiến chương của thành phố Oxford, với hình ảnh một một con bò ở ngã ba sông.

Theo thời gian, những con dấu sáp trở thành biểu tượng của tính hình thức và tính xác thực. Ban đầu, chúng được xem như dấu hiệu của giới thượng lưu, nhưng dần dần sau đó, giới quý tộc thấp, những người theo chủ nghĩa tự do và thậm chí một số thường dân cũng đã sở hữu con dấu cá nhân.

Mỗi con dấu đều khác nhau và có nghĩa là dấu hiệu định danh duy nhất của một người. Rất khó để xác định lý do tại sao mọi người chọn một thiết kế cụ thể cho con dấu cá nhân của mình, nhưng hoa văn được chọn chắc chắn dựa trên một điều quan trọng.

David Morris, một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về con dấu cho biết chất sáp đã thay đổi dần theo năm tháng. Trong thời Trung cổ, sáp được sử dụng chủ yếu là sáp ong và nhựa thông, trộn với chì đỏ. Vào cuối những năm 1500, sáp ong được thay thế bằng hỗn hợp nhựa thông Venice (chiết xuất từ ​​cây thông) và vỏ cây, tạo ra một chất liệu cứng và sáng bóng hơn sáp ong. Phấn và nhựa đôi khi được thêm vào với số lượng khác nhau và chì đỏ vẫn là một chất tạo màu.

Mặt dấu thường được chế tác bằng kim loại có khắc chữ hoặc hình trang trí đặc biệt tinh xảo, sau đó dập lên những giọt sáp nóng chảy. Trên thực tế, tuy sử dụng cùng một mặt dấu khắc, nhưng thường con dấu cho ra không thể giống nhau hoàn toàn vì phụ thuộc cách đổ sáp đã nung chảy hay vị trí đóng dấu.

Con dấu sáp được sử dụng để niêm phong thư hoặc đặt bên cạnh chữ ký. Một bức tranh năm 1675 của nghệ sĩ Hà Lan - Bỉ Cornelis Norbertus Gysbrechts cho thấy các bức thư thời kỳ đó được niêm phong bằng con dấu sáp màu đỏ, và một con dấu khác dùng để xác minh chữ ký.

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 2

Bức tranh “Quodlibet” của Cornelis Norbertus Gysbrechts, 1675.

Phong bì không được sử dụng cho đến năm 1840 và phong bì keo dính sẵn không được phát minh cho đến giữa những năm 1850. Do đó, người ở thế kỷ 17 hoặc 18 sẽ phải soạn thông điệp của mình lên một tờ giấy, gấp nhỏ lại, viết tên và địa chỉ của người nhận ở bên ngoài và niêm phong bức thư bằng sáp bằng nhẫn Signet Ring hoặc con dấu kim loại. Dấu sáp không thể dễ dàng tháo ra nguyên vẹn, do đó giúp tăng tính bảo mật cho tài liệu, đảm bảo rằng thư đã đến được với người nhận mà không bị xem lén trước hoặc bị giả mạo nội dung.

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 3

Signet ring trên tay Giáo hoàng Benedict XVI. Ảnh: Gentleman’s Gazette

Vào giữa thế kỷ 19, khi các dịch vụ bưu chính bắt đầu tính phí cho số lượng giấy tờ được gửi thay vì chỉ cho trọng lượng của bức thư, thì việc niêm phong tờ thư bằng sáp và gửi đi cũng tiết kiệm chi phí hơn so bỏ chúng vào phong bì. Điều này kéo dài cho đến giữa thế kỷ 20, khi cải cách bưu chính và phong bì dán sẵn khiến việc gửi thư mà không có con dấu sáp trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn.

Xét về màu sắc của sáp, nhà sử học, nhà văn Brian Allison chia sẻ màu đỏ là màu phổ biến, trang trọng và đúng lễ nghi nhất. Màu đen gắn liền với tin xấu hoặc cái chết, một số bản di chúc thời kỳ trước được niêm phong bằng màu này. Màu xanh lá và xanh dương được sử dụng cho những bức thư không có nội dung quá trang trọng.

Đến thế kỷ 19, “Ngôn ngữ màu sắc” được phát triển với màu đen cho giấy báo tử và tang tóc, màu trắng cho lời đính hôn và thông báo đám cưới, màu nâu sô cô la cho lời mời ăn tối và màu xanh lam cho thư tình.

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 4

Con dấu của Kenelm Digby, Sir Kenelm Digby, một nhà khoa học thời kỳ đầu, nhà chiêm tinh, cận thần, người sưu tầm các truyền thuyết và công thức nấu ăn, và là tể tướng của Nữ hoàng Henrietta Maria

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 5

Con dấu của Ngoại trưởng Richard Kemp, được đặt trên một bức thư viết vào tháng Giêng năm 1638.

Trải qua thời gian dài, việc đóng dấu sáp để định danh dần bị thay thế, chỉ còn mang giá trị tinh thần. Hình ảnh con dấu bằng sáp vẫn mang biểu tượng về sự tin cậy mạnh mẽ và được công nhận rộng rãi cho đến ngày nay.

Hiện tại, dấu sáp sẽ được dùng để niêm phong lên thiệp mừng, thiệp mời cưới hay album ảnh để thể hiện sức sáng tạo, cũng như sự yêu thích dành cho vẻ cổ điển.

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 6

Có thể kết hợp thêm với hoa khô để tạo ra những con dấu sáp độc nhất vô nhị. Ảnh: Pigment & Parchment

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 7

Seal sáp màu tím được đóng lên hộp album như một vật trang trí. Ảnh: Floral wings

Thế giới hoài cổ của những con dấu sáp ảnh 8

Màu sắc của sáp ngày nay cũng vô cùng đa dạng. Ảnh: goteborgsaventyrs

Theo History St.MMarys City, Artisaire
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.