Chính quyền Seoul đã làm việc với người dân và các chuyên gia trong công cuộc đánh giá các địa điểm và hạng mục có thể nhận được danh hiệu “Di sản tương lai Seoul”, thông qua lấy ý kiến tại trang web Futureheritage. Mọi địa điểm hay hạng mục được xem xét đưa vào danh sách “Di sản tương lai Seoul” phải được người dân thành phố biết đến một cách rộng rãi: “Chúng tôi tập trung vào việc phân loại các địa điểm và hạng mục mà người dân ở Seoul có thể thấy đồng cảm nhất. Dù có giá trị chính trị, văn hóa hay lịch sử thì các địa điểm, hạng mục đó phải được người dân công nhận và hiểu tại sao chúng đáng nhận được sự quan tâm như một di sản văn hóa tương lai”.
Hiệu sách Dae-oh ra đời năm 1951, giờ đã trở thành một quán cafe sách ẩn mình trong một góc yên tĩnh, tại một trong những khu phổ cổ nhất Bắc Seoul, không quá xa Cung điện Gyeongbokgung, cung điện lớn nhất từ triều đại Joseon. Nhìn từ bên ngoài, vẻ cũ kỹ bình dị và tấm biển hiệu đã phong hóa của Dae-oh rất dễ bị bỏ lỡ trong một con hẻm với nhiều cửa hàng và quán cà phê hiện đại.
Tấm biển hiệu bị phong hóa theo thời gian của Dae-oh. |
Nhưng nếu mở ra cánh cửa màu xanh lam ấy, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một thiên đường sách cũ trong một ngôi nhà hanok truyền thống của làng Seochon, mang đậm nét lịch sử gia đình quý giá, và là một di sản đầy tự hào của thành phố.
Tên của hiệu sách 70 năm tuổi "Dae-oh" được ghép từ âm tiết đầu tiên trong tên của cặp vợ chồng Choi Dae-sik và Kwon Oh-nam. Hai ông bà có một bộ sưu tập lớn sách cũ và các đạo cụ cổ trang trí cửa hàng sách. Sau khi người chồng qua đời, vợ ông vẫn duy trì nơi này một mình cho đến khi quyết định cho thuê lại, trước sự thất vọng của nhiều người.
Cuối cùng, khi thành phố Seoul tuyên bố công nhận Dae-oh là “Di sản tương lai” của thành phố, với sự công nhận dành cho tất cả mọi chi tiết, từ cánh cửa màu xanh lam cho đến biển hiệu bị thời gian phong hóa, cũng như những cuốn sách cũ được đóng gói trên kệ, Dae-oh Bookstore đã được điều hành dưới hình thức một tiệm cà phê sách. Quán cà phê này không hoạt động vì lợi nhuận mà để duy trì, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa, tinh thần của hiệu sách lâu đời.
Trong mắt du khách, Dae-oh toát lên vẻ bình yên ngay từ khi mới bước chân vào. Bản thân cấu trúc của tòa nhà mang lại sự ấm cúng, với một loạt các đạo cụ cổ đã làm tăng thêm sự rung cảm ngọt ngào và mềm mại cho nơi đây. Dòng nhạc nhẹ nhàng cũng góp một phần vào việc tạo ra bầu không khí lắng đọng của Dae-oh. Đâu đó vẫn còn những bức ảnh nơi hai vợ chồng chủ tiệm cùng trải qua những ngày tháng an yên đầy ắp tiếng cười với gia đình, ảnh một cô bé ngồi bên bậc cửa hiệu sách, hay ảnh ông lão đang đàn một khúc guitar.
Bức ảnh mang không khí đầy hoài niệm của nữ ca sĩ IU chụp tại Dae-oh Bookstore. |
Khách ghé thăm có thể mua đồ uống hoặc đồ lưu niệm tại một quầy bar nhỏ ngay sau cánh cửa. Vì không gian tương đối nhỏ, số lượng người vào tiệm mỗi lần cũng hạn chế. Sau khi thanh toán, nhân viên sẽ hướng dẫn những vị khách đi qua một cánh cửa mở ra một khoảng sân nhỏ được bao phủ bởi những cuốn sách cũ. Từ đó, du khách có thể tham quan một vài căn phòng với nhiều món đồ đầy dấu vết thời gian, từ bàn ghế, chiếc máy ảnh phim, những tập thơ đến nhạc cụ, phản ánh lịch sử lâu đời của cả ngôi nhà.
Những cuốn sách cũ vẫn được bảo quản tốt, toát ra một làn sóng năng lượng ấm áp và hấp dẫn. Khoảnh sân giữa được thiết kế thấp hẳn xuống, trước đây cứ mỗi khi hè về, họ đã bơm nước và biến nó thành một hồ bơi nho nhỏ. Hiện giờ chiếc máy bơm nước vẫn còn trong sân. Vẻ đẹp tự nhiên của tiệm sách, hầu như không có sự can thiệp thay đổi nào từ 1951, làm cho nơi này trở nên độc đáo.
Hình ảnh bên trái ảnh thể hiện sân chơi được biến thành một hồ bơi trong những ngày tháng cũ. (Ảnh: TravelMag) |
Sau khi tham quan một vòng, khách có thể quay trở lại quầy bar để nhận đồ uống và một chiếc kẹo hình trái tim đặc biệt do hiệu sách dành tặng, sau đó họ có thể ngồi ngoài sân, nhâm nhi ly trà trong không gian hoài cổ.
Vợ chồng ông chủ có một bộ sưu tầm lớn những cuốn sách xưa và đạo cụ như máy ảnh, đàn piano... |
Với những người không đến để đọc sách mà chỉ để thưởng thức một tách cà phê, họ có thể lựa chọn vào khu vực trong nhà, với bàn ghế được bày biện san sát. Những vị khách đến đây, không ai bảo ai, luôn chủ động hạ thấp giọng mỗi khi trò chuyện để gìn giữ không gian yên tĩnh của hiệu sách cổ.
Dae-oh, hiệu sách lâu đời nhất ở Seoul, thu hút không chỉ người dân và khách du lịch, cả những nghệ sĩ ngôi sao hàng đầu đất nước cũng đã từng ghé thăm và góp phần lan tỏa cái tên của tiệm sách đến với công chúng yêu nhạc. Trong số đó có thể kể đến nữ ca sĩ IU (Lee Ji-eun) hay nam rapper RM (Kim Namjoon) của nhóm nhạc BTS. Chữ ký và ảnh của những nghệ sĩ vẫn được dán một cách mộc mạc tại chỗ họ từng ngồi, chứ không phải lồng trong khung kính, càng làm tô điểm thêm cho nét đẹp thời gian của hiệu sách cổ.
Trưởng nhóm RM (Kim Namjoon) của nhóm nhạc BTS từng nhiều lần ghé qua Dae-oh, khiến tiệm sách trở thành địa điểm cần-phải-đến đối với cộng đồng người hâm mộ của anh. (Ảnh: BTS_twt) |
Dae-oh Bookstore về cơ bản hoạt động như một quán cà phê, cho phép những vị khách tận hưởng bầu không khí hoài cổ khi thưởng thức những món đồ uống giản dị ngon lành. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc, hoặc tham quan cửa hàng sách mà không mua đồ uống, bạn có thể mua những món quà lưu niệm trị giá 2.500 KRW (52.000 đồng) ở ngay lối vào. Mỗi gói quà lưu niệm có kẹo, bưu thiếp và kẹp sách.
Món kẹo quà tặng cho mỗi vị khách gọi đồ uống tại Dae-oh Bookstore. |
Giống như Dae-oh Bookstore, nhiều di sản và địa điểm tại thủ đô Seoul có tiềm năng trở thành “Di sản tương lai” thuộc sở hữu tư nhân, hoàn toàn khác so với các di sản văn hóa được chỉ định thuộc phạm vi sở hữu và bảo vệ của chính phủ hoặc các tổ chức công.
Mặc dù các chủ sở hữu sẽ không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào để tiếp tục điều hành cơ sở kinh doanh của mình, nhưng danh hiệu này có thể mang lại cho họ cảm giác tự hào, rằng những gì họ làm là một phần truyền thống của thành phố. Việc chỉ định di sản tương lai cũng không đòi hỏi bất kỳ hành động bắt buộc nào từ chủ sở hữu. Vậy nên, vẫn tồn tại khả năng các “di sản tương lai” được công nhận này bị mai một và biến mất nếu người dân không chú ý đến.
Ông Park So-hyun, một giáo sư kiến trúc tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: “Công chúng cũng cần nỗ lực nhận ra điều gì là quan trọng thông qua một số đồng thuận xã hội, vì phạm vi di sản văn hóa có thể được mở rộng tùy thuộc vào mức độ quan tâm của mọi người, từ đó chúng ta có thể khám phá những giá trị tiềm ẩn, chưa từng được biết đến của những di sản văn hóa, gìn giữ cho mai sau.”