Thế giới kết thúc chuỗi 13 tháng nhiệt độ cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chuỗi 13 tháng với kỷ lục nhiệt độ cao kỷ lục đã kết thúc vào tháng 7 vừa qua khi hiện tượng El Nino suy yếu, cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus cho biết.
Thế giới kết thúc chuỗi 13 tháng nhiệt độ cao kỷ lục

Nhiệt độ trung bình toàn cầu của tháng 7 vừa qua đã thấp hơn so với tháng 7 năm ngoái, qua đó chấm dứt chuỗi kỷ lục kéo dài suốt hơn một năm qua. Dù vậy, các nhà khoa học cảnh báo điều này không phải dấu hiệu đảo chiều của tình trạng biến đối khí hậu.

"Bối cảnh chung không thay đổi", bà Samantha Burgess, Phó giám đốc Copernicus, cho biết trong một tuyên bố. "Khí hậu của chúng ta vẫn tiếp tục ấm lên".

Biến đổi khí hậu do con người gây ra thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tàn phá khắp thế giới, với một số ví dụ chỉ trong những tuần gần đây. Tại thủ đô Cape Town của Nam Phi, hàng nghìn người đã phải di dời do mưa xối xả, gió mạnh, lũ lụt và nhiều nguyên nhân khác.

Trong khi chính phủ Nhật Bản cho biết hơn 120 người đã tử vong trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Tokyo.

Theo cơ quan Copernicus, nhiệt độ trung bình của toàn cầu vào tháng 7 năm 2024 là 16,91 độ C, cao hơn 0,68 độ C so với mức trung bình 30 năm trong tháng đó. Nhiệt độ tháng 7 vừa qua thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 7, nhiệt độ thế giới ấm hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này gần với giới hạn ấm lên mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, đó là mức 1,5 độ.

Nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas, cho biết hiện tượng El Nino đã thúc đẩy 13 tháng nhiệt độ kỷ lục. Hiện tượng này đã kết thúc, do đó nhiệt độ giảm nhẹ vào tháng 7. Hiện tượng La Nina, vốn trái ngược với El Nino, dự kiến ​​sẽ không xảy ra cho đến cuối năm.

Nhiệt độ của tháng 7 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến một số khu vực, bao gồm miền tây Canada và miền tây nước Mỹ.

Ở châu Âu, cảnh báo nhiệt độ nghiêm trọng nhất đã được ban hành tại một số thành phố ở miền Nam châu Âu và vùng Balkan. Phần lớn nước Pháp được cảnh báo nắng nóng khi nước này chào đón Thế vận hội vào cuối tháng 7.

Cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là hầu hết khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á, và miền đông Nam Cực, theo Copernicus. Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ ở Nam Cực cao hơn mức trung bình rất nhiều.

Các chuyên gia cho biết thế giới không nên thấy nhẹ nhõm sau khi nắm được số liệu của tháng 7 vừa qua.

“Đã có rất nhiều sự chú ý dành cho chuỗi kỷ lục toàn cầu kéo dài 13 tháng này. Nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu đã được nhìn thấy trong nhiều năm. Điều này bắt đầu trước tháng 6 năm 2023 và chúng sẽ không kết thúc vì chuỗi kỷ lục này đang kết thúc”, nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas chỉ ra.

Theo CNN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).