Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Môn Lịch sử được lựa chọn ngẫu nhiên theo hình thức bốc thăm và đã trở thành môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội. Ngay sau khi có thông báo, nhiều em học sinh đã lên kế hoạch ôn tập môn học này, thậm chí có những em phải tìm đến sự “trợ giúp” của các trung tâm luyện thi với mong muốn ôn thi cấp tốc, đạt kết quả cao.
Lo điểm liệt… nhưng sợ học thuộc lòng
Lịch sử vốn là môn học không chỉ yêu cầu trí nhớ, sự hiểu biết mà còn đòi hỏi năng lực tư duy của học sinh. Chính vì vậy, không ít thí sinh bày tỏ lo lắng bị điểm liệt ở môn thi này.
Em Lê Bá Dũng, trường THCS Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Ba môn Văn, Toán, tiếng Anh đã được học và ôn tập theo hình thức “cuốn chiếu” từ đầu năm học nên em không mấy lo lắng. Tuy nhiên môn Lịch sử công bố sau cùng nên thời gian luyện đề không nhiều. Em thấy rất áp lực và lo sẽ bị điểm liệt ở môn thi này”.
Chung suy nghĩ với Bá Dũng, học sinh Lê Quỳnh Mai bày tỏ: “Mặc dù, môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng nếu không nắm chắc kiến thức thì việc “dính” điểm liệt là điều khó có thể tránh khỏi”.
“Dù chỉ là môn nhân hệ số một nhưng em cũng không thể chủ quan. Lịch sử có lượng kiến thức lớn, mất nhiều thời gian ôn luyện trong khi chúng em chỉ còn hơn 2 tháng nữa là thi. Vì vậy, để đạt được điểm cao môn này thật sự rất khó”, em Nguyễn Hà Anh nhận định.
Ngoài ra, trong nhiều kỳ thi trước đó, Lịch sử luôn là môn có số thí sinh bị điểm liệt cao nhất nên cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của học sinh.
Hiện nay, trên một số diễn đàn học sinh, nhiều em còn cho rằng, thi môn Lịch sử thì tỉ lệ nữ sẽ đỗ nhiều hơn nam vì học sinh nữ chăm học thuộc lòng hơn. Tuy nhiên, khi hỏi một số học sinh nữ có chăm học thuộc lòng hay không thì hầu hết câu trả lời là “rất sợ phải học thuộc lòng”.
Em Lưu Phương Ly, trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em rất bất ngờ và lo lắng khi biết tin thi môn Lịch sử bởi trước giờ em luôn nghĩ là sẽ thi môn Giáo dục công dân. Khả năng ghi nhớ kém khiến em gặp khó khăn với môn học nhiều dữ kiện này. Từ khi biết thi môn Lịch sử, các bạn em đã than thở, có bạn khóc”.
Hay em Minh Thư chia sẻ: “Môn Lịch sử lâu nay học sinh thường học thuộc lòng nên tình trạng học trước quên sau rất phổ biến. Nhớ được kiến thức cơ bản cùng với các mốc thời gian là vấn đề chúng em rất lo lắng, đặc biệt là việc ôn cùng lúc 4 môn, trong đó hai môn Văn, Sử là môn phải học thuộc lòng nhiều”.
Sách giáo khoa là kim chỉ nam
Học sinh áp lực với môn Lịch sử vì phải học thuộc lòng quá nhiều kiến thức. Ảnh: I.T |
Dựa trên cấu trúc đề minh họa do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào tháng 10/2018, bài thi Lịch sử được làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút gồm 40 câu hỏi. Với hình thức thi trắc nghiệm, phạm vi kiến thức của đề thi phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, trong đó, tỉ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, môn Lịch sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, đảm bảo hai thí sinh liền kề không trùng mã đề của nhau. Thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh phạm vi câu hỏi sẽ yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Các câu hỏi sẽ ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp. Với phạm vi kiến thức đề thi đã được công bố, các em không cần thiết phải đến lò luyện thi mà nên học theo hướng dẫn của giáo viên và lấy sách giáo khoa làm tài liệu chính để có thể hoàn thành tốt được bài.
Tuyệt đối không học tủ
Ôn luyện thật kỹ kiến thức trong sách giáo khoa nhưng tuyệt đối không nên học tủ bất kỳ nội dung nào cũng là lời khuyên của bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai.
6 lưu ý mà học sinh cần ghi nhớ trong khi ôn luyện môn Lịch sử, đó là:
Thứ nhất, cần bám chắc cấu trúc đề minh họa để ôn tập, ôn đều các chuyên đề theo kế hoạch phù hợp, không để mất điểm phần lịch sử thế giới vì phần này đa phần câu hỏi dễ lấy điểm.
Thứ hai, ôn tập có lộ trình: Tháng 3 tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề.
Thứ ba, đọc - ôn kỹ các bài tổng kết chương để nắm được các diễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử.
Thứ tư, rèn cácah tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiều, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.
Thứ năm, rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm như phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ dễ đến khó.
Thứ sáu, học qua sơ đồ tư duy, thẻ nhớ kiến thức. Mỗi bài học, chương, giai đoạn lịch sử có thể hệ thống lại thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần.