Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 7/2 ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại 10 tỉnh phía Đông Nam của nước này vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của trận động đất độ lớn 7,8.
Trong tuyên bố phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của trận động đất. Theo đó, một loạt các biện pháp khẩn cấp sẽ được thực thi để nhanh chóng đưa lực lượng cứu trợ nhân đạo và những hỗ trợ tài chính kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương bị nạn.
Theo báo cáo mới nhất, trận động đất có độ lớn 7,8 với tâm chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 5.151 người thiệt mạng bao gồm 3.549 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và 1.602 người tại Syria.
Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang khẩn trương được tiến hành, song gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt kèm mưa lớn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết triển khai hơn 50.000 nhân viên cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng và dành khoản ngân sách 100 tỷ libra (5,3 tỷ USD) khắc phục hậu quả trận động đất. Liên minh châu Âu cùng nhiều nước khác đã nhanh chóng xúc tiến đưa các đơn vị cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ Ankara.
Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu trợ cho các vùng bị ảnh hưởng. Hiện chỉ có các xe phục vụ cho công tác cứu nạn và cứu trợ được phép ra vào 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất là Hatay, Kahramanmaras và Adiyaman. Các chiến dịch cứu nạn đang tập trung vào 3 tỉnh này cùng với thành phố Malatya.
Theo người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) Madevi Sun-Suona, hoạt động cứu trợ của LHQ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Bắc Syria phải tạm dừng do nhiều tuyến đường bị hư hại và các vấn đề hậu cần khác. Hiện chưa rõ thời điểm nối lại hoạt động này.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ), quan chức cấp cao WHO cảnh báo nhu cầu viện trợ nhân đạo đang ở mức độ cao nhất tại Syria sau trận động đất. Quan chức cấp cao về Tình trạng Khẩn cấp WHO, bà Adelheid Marschang cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng, song những nhu cầu chính chưa được đáp ứng tại Syria ngay lập tức và trong trung hạn.
Syria vốn đang chật vật với cuộc khủng hoảng nhân đạo nhiều năm nay do xung đột và dịch tả bùng phát. Bà Marschang nhấn mạnh nhu cầu viện trợ trên khắp Syria đang ở mức cao nhất sau gần 12 năm nước này rơi vào khủng hoảng kéo dài và phức tạp, trong khi quỹ viện trợ nhân đạo tiếp tục giảm.
Theo WHO, khoảng 23 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em, tại 2 nước có thể chịu ảnh hưởng của trận động đất. Cơ sở hạ tầng dân sự và khả năng cả cơ sở y tế đều bị thiệt hại. WHO cũng cho biết đang gửi hàng cứu trợ khẩn cấp, trong đó có các bộ dụng cụ phẫu thuật, đồng thời kích hoạt mạng lưới đội ngũ y tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ khu vực xảy ra động đất.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho rằng hàng nghìn trẻ em có thể đã thiệt mạng do động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Hiện tổ chức này chưa có thống kê cụ thể về số trẻ thương vong do thảm họa này.