Rumi, tên thật là Jalāl al-Dīn Muḥammad Balkhī (30 tháng 9 năm 1207 – 17 tháng 12 năm 1273) là một nhà thơ Ba Tư thế kỷ 13, học giả Hồi giáo và nhà thần bí Sufi có ảnh hưởng vượt qua biên giới quốc gia và sự chia rẽ sắc tộc: Người Iran, người Tajik, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Hy Lạp, người Pashtun, những người Hồi giáo Trung Á khác, cũng như những người Hồi giáo ở tiểu lục địa Ấn Độ đã đánh giá rất cao di sản tinh thần của ông trong bảy thế kỷ qua. Không chỉ vậy, thơ Rumi có ảnh hưởng rộng rãi tới văn hóa đại chúng Mỹ bởi tinh thần tự do, những trải nghiệm tâm linh sâu sắc, tình yêu say mê được bộc lộ không giới hạn. Thơ của ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới và được chuyển thể sang nhiều định dạng khác nhau.
UNESCO vinh danh Rumi và lý tưởng hòa bình của ông
Năm 2007, kỷ niệm 810 năm ngày sinh Rumi, lần đầu tiên UNESCO vinh danh Rumi. Theo đề nghị của các Phái đoàn Thường trực của Afghanistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và được sự chấp thuận của ban điều hành và Đại hội đồng, những thông điệp của Rumi phù hợp với sứ mệnh "xây dựng tâm thức nhân loại bảo vệ hòa bình" của UNESCO. Và lễ tưởng niệm vinh danh Rumi năm 2007 gắn liền với thông điệp này, đồng thời UNESCO ban hành huy chương mang tên Rumi với hy vọng chứng tỏ sự khích lệ với những người tham gia nghiên cứu và phổ biến các ý tưởng và lý tưởng của Rumi, thông qua đó tăng cường phổ biến các lý tưởng của UNESCO. Vào ngày 30 tháng 9 năm ấy, chuông trường học ở Iran đã rung lên khắp đất nước để vinh danh Rumi (người Iran gọi ông là Mevlana, tức “bậc thầy của chúng tôi”). Năm 2007 được UNESCO tuyên bố là "Năm Rumi quốc tế".
Rumi mất vào ngày 17 tháng 12 năm 1273 tại Konya, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù là một vị Sufi Hồi giáo, nhưng những người Kito giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều tới tiễn đưa ông trong đám tang. Lăng mộ ông được Công nương Gürcü Hatun (một người Kito Chính Thống giáo phương Đông cải đạo sang Sufi Hồi giáo), bạn thân của Rumi bảo trợ. Bà đã biến khu lăng mộ của Rumi thành thánh đường, nơi thực tập các điệu xoay vòng của các tu sĩ Sufi và là điểm đến trong cuộc hành hương của những người tu tập tâm linh trên khắp thế giới không phân biệt tín ngưỡng và sắc tộc. Trên bia mộ của Rumi, một dòng chữ được khắc lên: "Khi ta chết, đừng tìm mộ ta trên mặt đất, hãy tìm mộ ta trong tâm khảm loài người".
Và trong năm 2023, kỷ niệm 750 năm ngày mất của Rumi, nhiều hoạt động văn hóa cũng diễn ra trên khắp thế giới, và đặc biệt ở các nước Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông sống những ngày cuối đời và là nơi ông gửi gắm thân xác mình, đã tổ chức Năm Rumi 2023 với nhiều lễ hội tâm linh lớn, đặc biệt là nghi lễ của các tu sĩ Sufi với hàng ngàn người tham điệu vũ xoay vòng tại Viện bảo tàng tưởng niệm Rumi tại Konya. Tại Việt Nam, tập thơ “Rumi - Nhà huyền môn và kẻ say” (bản dịch tiếng Việt của Hà Thủy Nguyên, Book Hunter & NXB Văn Học, 2023) đã được xuất bản trong tháng 12 này, góp phần vào sự tiếp nối thông điệp hòa bình của Rumi mà UNESCO đã thúc đẩy trong bối cảnh xung đột căng thẳng tại Trung Đông:
“Nếu trót phải lòng vô hạn
sao chịu dập vùi lận đận trần gian?
Uốn cong tự tính thành nhân loại.
Sa mạc say hoài máu chiến chinh,
giá mà biết được điều huyền nhiệm
suối lại đầy dâng, ngập vườn hồng.
Đừng mải rạch ròi ai xấu tốt
Vượt lên tất thảy. Phúc lành lớn lao
Shams rót đầy sinh lực tràn mặt đất
để ta đợi chờ và tin cuộc đợi chờ.”
(Trích bài thơ “Đôi mắt đầu tiên” của Rumi, trong tập thơ “Rumi - Nhà huyền môn & kẻ say”, Hà Thủy Nguyên dịch, Book Hunter & NXB Văn Học, 2023)
Rumi tại Việt Nam
Tách biệt với thế giới Trung Đông, độc giả Việt Nam không biết đến thế giới của các vị Sufi trước khi những cuốn sách của Osho và Paulo Coelho được xuất bản ở Việt Nam sau Đổi Mới. Những tư tưởng tâm linh của hai nhân vật đại chúng vĩ đại của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã giúp người Việt biết đến sufi và Rumi. Lần lượt, những bản dịch thơ Rumi ra mắt bạn đọc.
Bản dịch Rumi đầu tiên có tên “Lời dạy của Rumi”, bản dịch của Nguyễn Kim Liên và Trần Thị Ánh Ngọc từ bản dịch tiếng Anh của Andrew Harvey đã được xuất bản bởi Trung tâm văn hóa Đông Tây & NXB Văn hóa thông tin. Những bài thơ và bản dịch thể hiện sự nghiêm cẩn và lòng kính Thượng Đế mà qua đó ta nhận diện Rumi như một nhà hiền triết Hồi giáo. Trong một bài viết về cuốn sách này, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã nhận định: “Tập thơ đã tập hợp những triết luận và tư tưởng của Rumi về các đối thoại tâm linh ở bên trong và con đường chúng ta phải bước trên khi tìm kiếm Thượng Đế” (Trích bài viết “Lời dạy của Rumi”: Chỉ dẫn tới điều thiêng, 2016)
Năm 2018, một bản dịch thơ Rumi với số lượng bài đồ sộ được Book Hunter xuất bản với tựa đề “Rumi tinh tuyệt” do Lê Duy Nam và Lê Ái dịch, Hà Thủy Nguyên hiệu đính. Tập thơ ngay lập tức chinh phục độc giả, và năm 2022, tập thơ đã được tái bản. “Rumi Tinh Tuyệt” được dịch từ bản tiếng Anh của Coleman Barks, dịch giả tiếng Anh thơ Rumi nổi tiếng và được yêu thích nhất tại Mỹ. Bản dịch thơ Rumi của Barks giàu tính thơ hơn tính triết thuyết, bộc lộ tính tâm linh phổ quát hơn so với sự sùng tín kiểu Hồi giáo, và đặc biệt thể hiện tình yêu sự sống cuồng nhiệt ở Rumi. Tập thơ chứa đựng những hình ảnh thơ duy mỹ, điển hình như:
“Cơn khát đẩy tôi lao xuống nước
và tôi uống ánh trăng
Tôi - con sư tử ngước nhìn lên
say trăng rồi.
Đừng hỏi về mong muốn.
Hãy nhìn vào chính tôi.”
(Trích bài thơ “Kabob cháy lên” trong “Rumi tinh tuyệt”)
Tập thơ “Rumi - Nhà huyền môn và kẻ say” được dịch từ phần mới được Coleman Barks bổ sung vào “The essential Rumi” (tên tiếng Anh của “Rumi Tinh Tuyệt)”. Những bài mới được bổ sung đi sâu hơn vào trải nghiệm khai ngộ của Rumi, với văn phong và chủ đề hoàn khác so với các bài trong “Rumi Tinh Tuyệt”, do đó, Book Hunter cho biết, đã quyết định tách những bài thơ này thành một tác phẩm riêng. Tựa đề “Nhà huyền môn và kẻ say” được lấy từ chính một bài trong tập thơ với tứ thơ biểu lộ trải nghiệm say sưa phúc lạc:
“Vũ trụ thì xoay quanh trục
Nào hãy để hồn tôi xoay quanh bàn rượu
như kẻ ăn mày, như tinh cầu ấy
xoay vòng bao la, phiêu lãng bơ vơ
Mã và Xe lô nhô di chuyển
khắp bàn cờ, ấy thế mà chúng chỉ
hướng về mỗi Vua thôi. Chúng xoay vòng.
Nếu tình yêu là cốt yếu, chiếc nhẫn này
đặt lên ngón tay ai.
Sâu thẳm trong con ngài
đã thắp lên ngọn lửa.
Nhà huyền môn chạm đỉnh hư vô
của tính không thuần khiết.”
(Trích bài thơ “Nhà huyền môn và kẻ say” trong tập thơ cùng tên)
Nhà văn Hà Thủy Nguyên, người đã nhiệt tâm giới thiệu tập thơ “Lời dạy của Rumi” và hiệu đính tập thơ “Rumi tinh tuyệt”, là dịch giả duy nhất của“Rumi : Nhà huyền môn và kẻ say”. Được biết đến từ rất sớm với vai trò là nhà văn “thần đồng” với cuốn tiểu thuyết dã sử dày 1000 trang “Điệu Nhạc Trần Gian” (NXB Phụ Nữ, 2004), Hà Thủy Nguyên với mỗi lần xuất hiện đều mang tới những dự án sách và dự án văn hóa gây ấn tượng.
Trong lĩnh vực biên kịch phim truyền hình, Hà Thủy Nguyên gây dấu ấn với các bộ phim phản ánh các câu chuyện văn hóa như “Vòng Nguyệt Quế” (2008) về đời sống các nhà văn, “Nếp nhà” (2010) về những giao thoa văn hóa giữa một Hà Nội truyền thống và Hà Nội đổi mới…
Hà Thủy Nguyên vẫn tiếp tục con đường tiểu thuyết dã sử chậm rãi nhưng chắc chắn với văn phong duy mỹ, phản ánh đời sống văn hóa và chính trị của các thời đại lịch sử như “Điệu nhạc trần gian” (2004) với bố cảnh nhà Lý, “Cầm Thư quán” (2008 & tái bản 2018) với bối cảnh triều đại Lê Thánh Tông, và mới đây là “Thiên Địa Phong Trần” (2019, tái bản 2022 & bổ sung tập 2) tái hiện những chân dung lịch sử và văn hóa của giai đoạn Lê Mạt với văn hóa phát triển rực rỡ nhưng suy tàn về mặt chính trị. Gần đây, trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Thiên Mã” của Hà Thủy Nguyên được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7.
Ở mỗi tác phẩm của Hà Thủy Nguyên, độc giả đều có thể thấy sự kết hợp của những tâm tư triết lý nhân sinh, văn phong duy mỹ, khối lượng văn hóa lịch sử đồ sộ và chiều sâu tôn giáo, tâm linh. Với nền tảng này, Hà Thủy Nguyên đã dẫn dắt đội dịch của Book Hunter thực hiện bản dịch “Rumi Tinh Tuyệt” và bước vào cõi tâm linh sâu rộng của Rumi trong “Rumi: Nhà huyền môn và kẻ say”.
Hà Thủy Nguyên hé lộ, Book Hunter sẽ còn tiếp tục theo đuổi dịch thuật tác phẩm của các bậc thầy tâm linh trên thế giới và bạn đọc có thể bắt gặp các tác phẩm này trong Tủ sách Siêu Hình hoặc Tủ sách Huyền Môn của Book Hunter.