Bù thêm gần 1 tỷ để nhận nhà tái định cư
Để đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm theo phê duyệt của Chính phủ từ năm 1996, TP.HCM phải mất khoảng 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm với hơn 14.000 hồ sơ nhà, đất đã di dời. Số tiền mà thành phố huy động để chi trả bồi thường, tái định cư ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án từ năm 1996 – 2008, nhiều hộ dân được đền bù đất nông nghiệp với giá 150.000 - 200.000 đồng mỗi m2. Đất thổ cư được bồi thường khoảng 1,9 triệu đồng/ m2 và cao nhất trong những năm tiếp theo khoảng 18 triệu đồng/ m2. Được biết, giá thị trường nhà đất trong thời điểm này vào khoảng 20 triệu - 25 triệu đồng/ m2.
Giá đền bù quá thấp khiến các hộ dân trong diện giải toả không đủ tiền mua nhà tái định cư. Việc này đã được người dân Thủ Thiêm phản ánh rất nhiều lần trong các buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và các cơ quan hữu quan nhiều năm qua. Đơn cử như bà Nguyễn Ngọc T. có căn nhà 59 m2 trên đường Lương Định Của, mua gần 50 lượng vàng nhưng khi giải tỏa chỉ được đền bù 94 triệu đồng (tức gần 1,6 triệu đồng/ m2). Với số tiền này, để mua được căn nhà tái định cư tại khu 38,4 ha Bình Khánh diện tích khoảng 56 m2 theo giá thị trường thì phải đóng thêm gần 1 tỷ đồng nữa.
Nhiều hộ dân trên đường Lương Định Của phải đóng thêm gần 1 tỷ đồng nữa nếu muốn sở hữu căn nhà tái định cư. |
Kế đến, từ năm 2009 – 2018, KĐTM Thủ Thiêm bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Từ đây, giá đất tại khu vực này được đẩy lên chóng mặt. Vào năm 2015, thời điểm các toà nhà tại khu tái định cư 38,4 ha Bình Khánh được xây dựng xong, CBRE Việt Nam công bố một báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy, dự án nhà ở đầu tiên được mở bán tại KĐTM Thủ Thiêm do một công ty trong nước làm chủ đầu tư có mức giá 2.000 - 2.800 USD/ m2 (tương đương 44 triệu đồng – 56 triệu đồng/m2).
Đến năm 2017, giá nhà ở tại KĐTM Thủ Thiêm đạt gần 170 triệu đồng mỗi m2. Và có thời điểm các căn hộ tại khu Sala (thuộc KĐTM Thủ Thiêm) được mở bán với giá lên tới 350 triệu đồng/ m2. Con số này cao gấp 19,4 lần giá đền bù, giải toả trong giai đoạn đầu của dự án là 18 triệu đồng/ m2.
Lao động nghèo không mua nổi nhà
Như Ngày Nay đã đề cập trong bài trước, đối tượng phải di dời để xây dựng KĐTM Thủ Thiêm đa số là người lao động thuần nông, lao động phổ thông và người dân nghèo buôn gánh bán bưng tại khu vực Bến phà Thủ Thiêm (cũ). Sau khi nhà nước quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện dự án trọng điểm thì nhiều gia đình nhận tiền đền bù quay trở về quê nhà sinh sống, một số tản mát đi nhiều nơi, số ít các hộ dân vào sống tại khu tái định cư hoặc cho thuê để đi nơi khác.
Nhiều người nghèo không đủ tiền bù vào mua nhà phải nhận tiền đi nơi khác sinh sống. |
H.M.K - một người dân sau khi giải toả, nhận bồi thường đã chuyển đến sinh sống tại chung cư Bình Khánh (thuộc khu 17,4 ha An Phú - Bình Khánh) kể lại rằng, vào thời điểm có quyết định di dời, rất nhiều người lao động nghèo có diện tích nhà chỉ khoảng 20-25 m2 than vãn không đủ tiền để bù thêm vào mua suất nhà tái định cư tại khu 38,4 ha Bình Khánh.
Theo K., nếu tính số tiền bồi thường cao nhất là 18 triệu đồng/ m2 thì họ chỉ nhận được khoảng 360 triệu đồng – 450 triệu đồng. So với giá thị trường nhà đất ở thời điểm giải toả (năm 1996 – 2008) là khoảng 20 triệu – 25 triệu đồng/ m2 thì một căn hộ tái định cư diện tích nhỏ nhất là 56 m2 có giá bán năm 2014 (2015 xây xong) từ 1,1 tỷ đồng và 1,3 tỷ cho căn hộ 66 m2… Với số tiền bù thêm quá cao, người lao động nghèo không thể mua nổi suất nhà tái định cư nên chọn phương án nhận tiền để tự tái lập cuộc sống.
Người này cũng cho biết thêm, riêng đối với những hộ dân có nhà nằm trong phạm vi quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm nhưng chưa có giấy tờ nhà, đất thì không đủ điều kiện để nhận suất tái định cư nên nhận tiền hỗ trợ và đến thuê các chung cư cũ trên địa bàn quận 2 làm nơi ở tạm.
Thủ Thiêm: Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang – Bài 4: Thuận Việt biến nhà TĐC thành căn hộ thương mại, bán hơn 1.000 căn