Trên đây là đánh giá của ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về đề thi THPT quốc gia 2019.
Hôm nay (24/6), thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019 và chỉnh sửa các sai sót (nếu có) trước ngày làm bài thi chính thức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và có độ phân hoá phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Sơn La. |
Kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh việc dạy – học cho phù hợp, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12.
Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất và các thí sinh đã sẵn sàng.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra công tác chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá là hoạt động bình thường diễn ra trong suốt quá trình học tập của các em, nhưng đối với các học sinh kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng vì đánh giá kết quả của 12 năm học phổ thông.
“Các em yên tâm rằng, Bộ GD&ĐT, các trường Đại học/Cao đẳng, các địa phương và Bộ, ngành liên quan đã vào cuộc sát sao, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng không căng thẳng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ với thí sinh: “Để làm được tốt bài thi, tôi khuyên các em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức.
Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi”.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, kỷ luật trường thi rất nghiêm ngặt, do đó thí sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi, tuyệt đối không đem vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động. Khi thực hiện đúng quy chế, tâm lý các em mới ổn định và tập trung làm bài tốt.