Sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2018 là chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Đánh giá chung của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù ba năm qua, quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN đã đạt nhiều kết quả tích cực, và chỉ còn khoảng 600 doanh nghiệp cần cổ phần hóa, sắp xếp, nhưng tổng số vốn chủ sở hữu Nhà nước vẫn nắm giữ còn cao, lên tới 90%.
Theo công văn số 991 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2017, thì từ năm 2017 đến năm 2020, số doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa là 127 doanh nghiệp. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, mới thực hiện cổ phần hóa được 27 doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có những địa phương chưa cổ phần hóa, sắp xếp được doanh nghiệp nào. Như vậy từ nay đến năm 2020 còn phải thực hiện cổ phần hóa 100 doanh nghiệp nữa.
Theo kế hoạch trong công văn 991 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, nhưng tính đến 18/11 thì mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, trong đó không có doanh nghiệp nào thuộc danh sách trong công văn 991 thuộc kế hoạch 2018.
Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn (bao gồm thoái vốn nhà nước và thoái vốn tại các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước) trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng.
Về 12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu là trên 43.670 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 63.610 tỷ đồng. Đến tháng 8 năm nay đã có 2 dự án bước đầu hoạt động có lãi là Dự án DAP số 1 – Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt – Trung. Có 4 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. Tuy nhiên vẫn còn 3 dự án còn đang khó khăn là Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (đã vận hành trở lại một phần hoặc sẵn sàng vận hành trở lại).
Riêng dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn, xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang triển khai bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã thu về cho Quỹ Sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng và đang triển khai đàm phán giải quyết hợp đồng EPC.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...
Về một số nguyên nhân của các tồn tại, Bộ Tài chính cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.
Bên cạnh một số doanh nghiệp bán hết số cổ phần theo phương án phê duyệt thì có không ít doanh nghiệp tỷ lệ bán cổ phần rất thấp. Ví dụ năm 2016, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp bán cổ phần chỉ đạt 0,1%; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên chỉ đạt 0,4%; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai còn thấp hơn, chỉ đạt 0,04%.
Trong năm 2017, bán cổ phần so với kế hoạch của Tổng công ty Phát điện 3 chỉ đạt 3%; Tổng công ty Công ty Sông Đà chỉ đạt 0,8%; Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ đạt 21%.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.