Tại phiên chất vấn chiều 18/11, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đã đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc khuyến khích và phát triển kinh tế tư nhân.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có hai nhóm giải pháp, trước hết đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như chúng ta đã làm.
“Có ổn định vĩ mô thì kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế FDI mới phát triển được, trong đó có kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nói.
Giải pháp thứ hai theo Thủ tướng, đó là giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục giảm chi phí, giảm lãi vay, giảm chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo.
“Cũng nhân đây tôi đề nghị với các doanh nghiệp tư nhân nước ta nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành mà người ta gọi là một phần kinh phí, chi phí không chính thức”, Thủ tướng nói.
Tiếp tục chất vấn Thủ tướng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết trên thực tế doanh nghiệp vẫn còn than phiền về việc bị gây phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí có lót tay mà người trong cuộc rất khó tố cáo, chỉ điểm vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình.
“Tôi thấy vấn đề này đang làm ngược lại sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính và thủ tục hành chính. Trả lời ý kiến của các đại biểu trước tôi, Thủ tướng có nêu sẽ triệt để việc đưa hối lộ và sẽ thay những cán bộ không làm được việc, không để mất lòng tin của nhân dân”, đại biểu nói.
Đại biểu Hương đề nghị Thủ tướng cho biết biện pháp mạnh mẽ nào, cơ chế cụ thể nào sẽ được Thủ tướng đưa ra để xử lý triệt để tình trạng vẫn còn đang kéo dài này.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho rằng có 4 nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng trên mà chúng ta cần phải xác nhận. Một là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đó.
Hai là đi liền với đó là hiểu biết về vấn đề của cán bộ đó. Ba là kể cả việc có hiểu biết nhưng cán bộ sợ mất chức, mất quyền, sợ mất an toàn nên không dám quyết.
Bốn là tình trạng mọi việc tốt hết, biết hết nhưng tình trạng tham nhũng tiêu cực xảy ra trong bộ phận cán bộ nên chậm lại cải cách hành chính.
Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng cho rằng việc kiểm tra đôn đốc, công khai, minh bạch, áp dụng trung tâm hành chính công ở một số địa phương như tỉnh Quảng Ninh hay một số tỉnh đã triển khai là thấy rất cần thiết.
“Ở đây, chúng tôi không kết luận là trung tâm dịch vụ hành chính công của cấp huyện hay cấp tỉnh hoàn toàn tốt, nhưng cơ bản tôi thấy việc công khai, quy định thời gian, cán bộ trực tiếp có đủ thẩm quyền, hiểu biết để giải quyết nhanh chóng là rất cần thiết thì chúng ta sẽ có những mô hình để xử lý vấn đề này”, Thủ tướng.
Đề cập tới nội hàm khái niệm Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt phải thay ngay thẩm quyền những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ giao mãi không chịu làm, làm chậm trễ để nhân dân mong đợi thì kiến tạo cái gì.
Theo Bizlive