Thủ tướng: Lấy Dung Quất và Khu công nghiệp Vsip làm động lực tăng trưởng mới của Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong chương trình dự lễ khởi công 12 dự án thành phần xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và thăm, làm việc tại Quảng Ngãi, chiều 1/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt những kết quả tích cực.

Quảng Ngãi đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch. GRDP tăng 8,08%, quy mô kinh tế 121.668 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Công nghiệp tăng 6,8%; nông nghiệp tăng 2%. GRDP bình quân đạt 97,67 triệu đồng/người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,8%; xuất khẩu đạt 2,158 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 50%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 34.167 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, tăng 44,7% so dự toán.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Năm 2021: Chỉ số PAR Index tăng 24 bậc; Chỉ số PAPI tăng 17 bậc. Văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Tỉnh cũng chú trọng công tác xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; quan tâm công tác chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các bộ, ngành cho tỉnh được hưởng một số cơ chế về ngân sách; điều chỉnh quy định về nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu; phê duyệt quy hoạch khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; cơ chế chính sách và hỗ trợ kinh phí cho tỉnh triển khai một số dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp để Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Các đại biểu đề nghị Quảng Ngãi quan tâm hơn phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng một số sản phẩm đặc trưng, phát triển kinh tế biển, có chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong năm 2022 và thời gian qua, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với 25/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như: công nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào lọc hóa dầu và sản xuất thép; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp; đầu ra cho nông sản còn khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa có các dự án lớn có tính kết nối tạo động lực; năng lực cạnh tranh ở nhóm dưới; đời sống của một bộ phận người còn khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao...

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Quảng Ngãi cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là các vấn đề phát sinh”, Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ngãi cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Đặc biệt, phải đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn. “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong dịp Tết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Phát triển đồng bộ hạ tầng, nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt hạ tầng giao thông bằng các hình thức đầu tư. “Tỉnh cần lấy khu kinh tế Dung Quất và khu công nghiệp Vsip làm hai khu động lực tăng trưởng mới của tỉnh”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu Quảng Ngãi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo. Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế; khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của Tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Theo Thủ tướng, cùng với phát triển kinh tế, Quảng Ngãi phải quan tâm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Quảng Ngãi. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.

"Tỉnh xem xét đầu tư thêm, xây dựng khu Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Tân Đức, huyện Mộ Đức khang trang, xanh, sạch đẹp; vừa là khu lưu niệm, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, vừa là khuôn viên văn hóa đón nhân dân vào thưởng lãm hàng ngày", Thủ tướng nhắc nhở.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời có ý kiến trực tiếp đối với từng đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Nhất trí xem xét để giải quyết các đề xuất kiến nghị của Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành phối hợp với địa phương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung của cả vùng, cả nước.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: