Thủ tướng: Phải chuyển biến căn bản về dạy làm người

Bày tỏ trăn trở về tình trạng “dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”, Thủ tướng nêu rõ, năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; yêu cầu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này để triển khai ngay trong năm học mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 vào sáng nay, 6/8.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng đưa ra bài báo mà ông vừa đọc với tiêu đề “Gia cảnh khốn khó của em Linh ‘vé số’ bị cướp đánh gẫy tay”. Cha bị bệnh tâm thần, mẹ bị ốm đau, em Linh có ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho mọi người. “Ước mơ của lớp trẻ như vậy thì chúng ta phải dành tình cảm, trách nhiệm rất lớn, nhất là người thầy, người cô và hệ thống quản lý của chúng ta”.

Nếu không có đột phá GD&ĐT, không có kỳ tích kinh tế

Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị đông đủ, mà theo người đứng đầu Chính phủ, “chưa bao giờ thấy dự đông như vậy”, thể hiện sự quan tâm đến GD&ĐT. Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo. “Anh muốn chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu”.

Thủ tướng cho rằng, mặc dù có nhiều thách thức, điều đáng mừng là ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái, tạo được niềm tin cho toàn xã hội đối với ngành có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên.

Về các điểm nhấn, thành công của ngành giáo dục, Thủ tướng nêu rõ, đã tạo ra hành lang pháp lý khá tốt, rõ ràng cho ngành GD&ĐT. Chúng ta đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng.

Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới là một điểm nhấn trong năm nay. Một số “vùng trũng” về giáo dục nay đã vươn mình, chuyển biến tốt hơn.

Chỉ ra các yếu kém, tồn tại để khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, “cho nên công nhân đi làm vất vả, gửi con rất xa, thậm chí không cho con đến trường mẫu giáo được”. “Anh có miếng đất nào đẹp bán hết để xây nhà tầng là không được đâu, cần lo cho thiết chế này”. Thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, là vấn đề trở ngại đến sự phát triển bền vững của ngành giáo dục. Nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải, “ở Hà Nội có lớp đến 60 học sinh trong khi định mức đưa ra là 35 học sinh/lớp tiểu học còn trung học là 45 học sinh/lớp”.

Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. “Người ta nói rằng anh dạy cơ bản được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”. Cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội.

Thủ tướng: Phải chuyển biến căn bản về dạy làm người ảnh 1

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị “việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”. Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, thì hậu quả xã hội rất lớn”.

Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.

“Các trường ĐH sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là những thầy dạy, cho nên yêu cầu rất cao ở các ‘máy cái’ này phải tốt thì mới có 'máy con' tốt, là khơi mào đầu tiên cho sự phát triển giáo dục, đào tạo. Bác Hồ nói: Trường sư phạm phải mô phạm…”.

Nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng nêu trực trạng, nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… “Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, trung học thấp mà người ta thường hay kêu ca. Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, "hữu danh vô thực". “Và tôi cũng yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn, Việc đào tạo những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc. Phải tiếp tục chấn chỉnh vấn đề này.

Các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học, tránh tình trạng quá nhiều nhân viên y tế, bảo vệ, kế toán…

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội…

Năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. “Vai trò của gia đình, của nhà trường và xã hội chúng ta đã nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu”.

Thủ tướng: Phải chuyển biến căn bản về dạy làm người ảnh 2

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh, sinh viên được tiếp xúc với truyền thống văn hóa như tổ chức đi viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để học sinh thấu hiểu cuộc sống...

Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này.

Yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ tình trạng thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay. “Các trường, nhất là các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải làm gì để mở các ngành mới này. Các trường, các ngành kém chất lượng phải thực hiện kiểm định và có kế hoạch nâng cao chất lượng thế nào”. Hệ thống giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT phải trả lời, xử lý, giải quyết một cách đồng bộ, chứ không để “thiếu trước hụt sau, chắp vá”.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định, “chứ chọn người kém uy tín, thiếu nghiệp vụ thì làm sao hội đồng trường phát huy được”.

Cần thí điểm nghiên cứu thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện chi tiêu thường xuyên, từ đó, tổng kết, báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ quan những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

“Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD&ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước”, Thủ tướng nói. “Các đồng chí phải làm những việc thiết thực”, Thủ tướng lấy ví dụ như 23 triệu học sinh, sinh viên, 1,4 triệu thầy cô không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần có làm được không, hay phát động học sinh, sinh viên không đua xe, không vi phạm an toàn giao thông, không nghiện ma túy, hay mọi cấp ủy, chính quyền đều quan tâm đến nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học. “Ông bí thư, chủ tịch có bước đến trường học kiểm tra những nhà vệ sinh, nước uống của các em không?”

Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Theo Chính phủ
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.