Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Estonia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Estonia, chiều 5/6 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Estonia Lauri Hussar tại trụ sở Quốc hội Estonia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Estonia Lauri Hussar. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Estonia Lauri Hussar. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ tịch Quốc hội Lauri Hussar bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đến thăm chính thức Cộng hòa Estonia. Nhấn mạnh về vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội Lauri Hussar khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Estonia tại khu vực Đông Nam Á và cho rằng chuyến thăm là cơ hội tốt để hai nước làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Estonia tươi đẹp, giàu lòng mến khách; cảm ơn sự tiếp đón trọng thị, chân tình của Estonia và chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Chủ tịch Quốc hội Estonia.

Thủ tướng cảm ơn Estonia đã hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam ngày nay.

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ song phương thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần tạo bước đột phá, mở ra một giai đoạn phát triển mới của quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp, tương xứng với tiềm năng và hợp tác giữa hai nước.

Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Estonia về điểm tương đồng giữa hai đất nước về khát vọng độc lập, khát vọng vươn lên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin tới Chủ tịch Quốc hội Estonia về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Trên cơ sở đó, Việt Nam luôn coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước và Estonia là quốc gia đi đầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số mà Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm.

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí hai nước cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Estonia đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên sớm thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội hai nước để đẩy mạnh việc trao đổi những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị Quốc hội Estonia ủng hộ và thúc đẩy để hai bên sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Estonia về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có tiếng nói tích cực thúc đẩy Quốc hội một số nước Liên minh châu Âu (EU) sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo xung lực mới cho hợp tác thương mại - đầu tư song phương.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Lauri Hussar đánh giá cao quan hệ Việt Nam - Estonia nói chung và quan hệ nghị viện nói riêng đang phát triển tích cực và còn nhiều tiềm năng để khai thác trong tương lai. Chủ tịch Quốc hội Lauri Hussar khẳng định Estonia mong muốn mở rộng quan hệ với Đông Nam Á và tin tưởng rằng vai trò cầu nối của Việt Nam và Estonia cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ là chất xúc tác tiếp thêm động lực cho quan hệ hợp tác EU - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời gian tới. Hai bên nhất trí thúc đẩy các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn thường xuyên, tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lập pháp. Hai bên nhất trí ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên Nghị viện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Estonia tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Estonia, tiếp tục là cầu nối giữa hai dân tộc.

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Chủ tịch Quốc hội Estonia Lauri Hussar. Chủ tịch Quốc hội Estonia đã vui vẻ nhận lời.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
(Ngày Nay) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 167-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.