Hai bên củng cố cam kết chung trong việc thúc đẩy các hoạt động vì sự phát triển bền vững của đại dương dựa trên nền tảng khoa học. Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) của UNESCO và Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc đã ký một dự định thư nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030), gọi tắt là Thập kỷ Đại dương.
Nền tảng Hành động vì sự phát triển bền vững của Đại dương của Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong Thập kỷ Đại dương sắp tới, dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021. Thập kỷ này sẽ mang lại cơ hội cho khu vực tư nhân và khoa học hợp tác cùng nhau để nâng cao kiến thức về đại dương và định hình các giải pháp bền vững cho các thách thức của xã hội trong Thế kỷ 21, từ biến đổi khí hậu đến an ninh lương thực.
Cùng nhau, các cơ quan của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghiệp vì một nền kinh tế xanh bền vững và phát triển. Sự suy giảm nhanh chóng về sức khỏe đại dương và các hệ sinh thái biển đã làm gia tăng nhu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh sự hợp tác đa phương. Triển khai các hoạt động đại dương dựa trên khoa học là điều cần thiết để cân bằng nhu cầu về một đại dương sạch, khỏe mạnh và hiệu quả với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp đại dương cần thiết nhằm đạt được các Mục tiêu Toàn cầu.
Ông Vladimir Ryabinin, Thư ký điều hành IOC đã bày tỏ sự hoan nghênh mối quan hệ đối tác mới, được xem như là chìa khóa để hiện thực hóa những hứa hẹn về tính toàn diện của Thập kỷ: “Trong khuôn khổ hợp tác, Thập kỷ Đại dương sẽ thu hút các bên liên quan từ các ngành khoa học và ngành công nghiệp đại dương làm việc cùng nhau, tận dụng chuyên môn và nguồn lực, cũng như đẩy nhanh quá trình sáng tạo kiến thức đại dương và thực hiện các giải pháp có tác động. Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tiếng nói của khu vực tư nhân vào khuôn khổ hành động của Thập kỷ, mang lại đại dương mà chúng ta mong muốn”.
IOC của UNESCO và Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc gần đây đã công bố báo cáo Tiến bộ Khoa học vì sự Phát triển bền vững của Đại dương, nêu rõ các cơ hội cho khu vực tư nhân trong công cuộc hỗ trợ các mục tiêu của Thập kỷ Đại dương. Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc cũng đã xác định các cơ hội chính cho sự hợp tác giữa khoa học và công nghiệp trong một báo cáo mới được công bố ngày 4/9, trong đó chỉ ra hành động chung khoa học-công nghiệp mở rộng có thể nâng cao khả năng phục hồi của ba khu vực kinh tế xanh và đóng góp vào một tương lai bền vững hơn.
Dự định thư giữa hai tổ chức dự kiến các hoạt động chung xoay quanh nhiều trục hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của ngành khoa học trong Thập kỷ, đồng tổ chức và cung cấp các cuộc đối thoại tương tác và các sự kiện kết nối kinh doanh, thúc đẩy sự tham gia của ngành vào các hoạt động chia sẻ dữ liệu và quản lý đại dương, kích thích hệ sinh thái đổi mới để tăng tốc các giải pháp dựa trên khoa học nhằm mang lại đại dương mà chúng ta mong muốn vào năm 2030.