Trong khi đó, văn hóa đọc là hướng đi lâu dài giúp doanh nghiệp đi xa hơn; doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần phải đi đôi phát triển văn hóa doanh nghiệp bền vững, trong đó có văn hóa đọc.
Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, do Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 3/12.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành sách, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, thời gian qua, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Có doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập.
Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chính đội ngũ doanh nhân sẽ là lực lượng tạo động lực cho sự phát triển quốc gia. Muốn thế, bản thân đội ngũ doanh nhân phải có sự thay đổi, phát huy những tố chất tích cực, khắc phục hạn chế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.
Mục tiêu hướng tới là xây dựng “một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”, như Nghị quyết 09-NQ/TW của Đảng đã xác định.
Theo ông Nguyễn Nguyên, trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân này, sách là một trong những phương tiện quan trọng nhất. Vốn, đất đai, tài sản, thương hiệu và kinh nghiệm kinh doanh vẫn rất quan trọng nhưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu doanh nhân đó không nắm trong tay nguồn tri thức đáp ứng đòi hỏi mới của thời đại.
Sách chính là phương tiện cung cấp nguồn tài sản vô tận đó. Không chỉ dừng lại ở việc đọc sách, mỗi doanh nhân, với trách nhiệm xã hội của mình, cần đem những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích, những trải nghiệm của mình đến với xã hội thông qua những cuốn sách do các doanh nhân viết. Thực tế, hiện nay đã có nhiều cuốn sách thú vị, có giá trị đến từ đội ngũ doanh nhân đã góp phần lan tỏa tri thức và năng lượng tích cực đến mọi người.
Các đại biểu cho rằng sự thiếu hụt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một phần do khung pháp lý, chính sách chung nhưng phần lớn do người lao động, chủ doanh nghiệp, những người trực tiếp tham gia chưa tự nâng cao năng lực của mình để phù hợp với thời đại và sự phát triển của thế giới.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sách Alpha Books cho rằng việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện trong đó mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập, xây dựng một hệ sinh thái tri thức doanh nghiệp với 3 cột trụ chính, gồm sách và tri thức; không gian đọc; các hoạt động khuyến đọc.
Thực tế cho thấy, những lãnh đạo doanh nghiệp có thói quen đọc sách sẽ dễ dàng truyền cảm hứng cho các nhân viên, là tấm gương thúc đẩy sự hình thành, phát triển văn hóa đọc và tinh thần học tập trong tổ chức họ dẫn dắt. Văn hóa đọc trong doanh nghiệp sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo xuất sắc, những doanh nghiệp vượt trội, những nhân viên tài năng và tạo ra một loại năng lực cạnh tranh mới là năng lực tri thức.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn dịch vụ công nghệ Tin học HPT chia sẻ, văn hóa đọc của doanh nghiệp, hay một đất nước được hình thành từ văn hóa đọc của cá nhân. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, một trong những lĩnh vực có tốc độ thay đổi rất nhanh, việc đọc là việc diễn ra thường xuyên, thói quen phải đọc cũng đã hình thành trong đại đa số thành viên công ty. Nhiều cán bộ lãnh đạo của công ty có niềm đam mê và đầu tư rất đáng kể cho việc sưu tầm, mua và đọc sách.
Bên cạnh thúc đẩy việc đọc, công ty cũng chú trọng việc tạo sân chơi để phát triển phong trào viết trong cán bộ nhân viên. Từ đó mà công ty có “bộ sách” khá phong phú, từ quyển sách đầu tiên xuất bản năm 2005, cứ mỗi 5 năm sau đó, công ty có thêm một quyển với các chủ đề đa dạng. Ngoài ra, bản nội bộ công ty được phát hành hàng quý, ngoài việc điểm tin hoạt động công ty, chia sẻ các bài viết về quản trị, định hướng còn có chủ đề tự do tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên tham gia viết.