Các ông lớn xăng dầu này có đặc điểm chung là nợ nần chồng chất, thua lỗ triền miên. Là doanh nghiệp khá kín tiếng trong ngành xăng dầu nhưng Công ty cổ phần Xăng dầu Thụy Dương (Thụy Dương Petrol) cũng có nhiều nét tương đồng với những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực mà Thanh tra Chính phủ vừa nêu.
“Em út” xăng dầu kín tiếng
Thụy Dương Petrol thành lập ngày 21/7/2009 tại Số 181 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với ngành nghề chính là “Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan”.
Có hành trình dài hoạt động nhưng Thụy Dương Petrol rất kín tiếng, rất hiếm thông tin “rò rỉ” trên truyền thông. Chỉ biết rằng người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là nữ doanh nhân sinh năm 1961 Nguyễn Thị Thu.
Sau nhiều năm hoạt động với quy mô thấp, tới ngày 22/6/2022, vốn điều lệ công ty mới tăng từ 15 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Theo thông tin về thuế, tổng số lao động của công ty chỉ là… 5 người.
Ngoài ra, trên thị trường còn có một công ty mang thương hiệu Thụy Dương hoạt động trong ngành xăng dầu. Đó là Công ty TNHH Dầu nhờn Quốc tế Thuỵ Dương (Thụy Dương Lubricant).
Thụy Dương Lubricant có tiền thân là Công ty Cổ Phần Xăng dầu Thuỵ Dương được thành lập vào năm 1993, với hoạt động cung cấp xăng dầu cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Năm 2013, Thụy Dương Lubricant ra đời (thời gian đầu có tên là Công ty TNHH MTV Thuỵ Dương), tách khỏi hoạt động của Công ty cổ phần Xăng dầu Thuỵ Dương, hướng tới mục tiêu phát triển và dẫn đầu trong thị trường kinh doanh dầu mỡ nhờn. Giám đốc công ty là ông Trịnh Vĩnh Thụy.
Địa chỉ công ty là Số 529, Hoàng Hoa Thám, Phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Đây cũng là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở của bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Thụy Dương Petrol.
Thua lỗ triền miên
Ra đời từ rất sớm và hoạt động trên thị trường Hà Nội năng động, tiềm năng nên Thụy Dương Petrol thường xuyên đạt doanh thu cao vượt trội so với vốn điều lệ. Thế nhưng, công ty lại gây bất ngờ khi hoặc lãi vô cùng khiêm tốn, hoặc thua lỗ thảm.
Cụ thể, năm 2022, Thụy Dương Petrol ghi nhận Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ lên đến 1.897 tỷ đồng, tăng 801 tỷ đồng, tương đương 73,1% so với năm 2021. Do giá vốn hàng bán tăng rất cao, từ 1.062 tỷ đồng lên 1.866 tỷ đồng nên Lợi nhuận gộp của công ty giảm nhẹ từ 34,3 tỷ đồng xuống 31 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngoại trừ Chi phí bán hàng tăng từ 588 triệu đồng lên 1,3 tỷ đồng, các chi phí khác đều giảm đáng kể. Chi phí tài chính giảm từ 6,9 tỷ đồng xuống 6,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 27,8 tỷ đồng xuống 27,1 tỷ đồng.
Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Thụy Dương Petrol không “cứu” nổi lợi nhuận. Năm 2022, công ty lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng dù năm 2021 lãi 210 triệu đồng. Hành trình thua lỗ nhiều năm đã khiến công ty “tích” lỗ lũy kế 5,9 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. Kết quả là Vốn chủ sở hữu Thụy Dương Petrol chỉ còn hơn 14 tỷ đồng.
Cùng với thua lỗ thảm là nợ nần chồng chất. Hồi cuối năm 2022, Thụy Dương Petrol ghi nhận 115 tỷ đồng Nợ phải trả, cao gấp 8,2 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 89,1% tổng Nguồn vốn. Năm 2021, tình trạng nợ tại Thụy Dương Petrol còn căng hơn khi nợ cao gấp 8,4 lần vốn và chiếm 89,3% tổng nguồn vốn.
Trong các khoản nợ của Thụy Dương, đáng chú ý là nợ vay. Tại ngày 31/12/2022, Thụy Dương Petrol ghi nhận 102,4 tỷ đồng Nợ vay. Trong đó, đa phần là nợ ngắn hạn (91,5 tỷ đồng). Nợ vay của “em út” ngành xăng dầu chiếm tới 79,4% tổng tài sản. Con số này cho thấy áp lực trả nợ của Thụy Dương Petrol là rất lớn.
Dù thua lỗ thảm và phải vay nợ nhưng Thụy Dương Petrol vẫn dành 14,8 tỷ đồng Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.