Theo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cuối tuần qua, nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý, kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn 2017-2021 đã được chỉ ra và yêu cầu các biện pháp xử lý, khắc phục.
Cụ thể, đối với việc trích lập, quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), theo Thanh tra Chính phủ, do liên Bộ Tài chính, Công Thương chưa thực hiện triệt để các quy định quản lý quỹ BOG xăng dầu trong giai đoạn 2017-2021 nên đã khiến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập sai Quỹ BOG với số tiền hơn 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng sai số tiền hơn 679,8 triệu đồng.
Cũng do bất cập trong hoạt động phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong việc quản lý Quỹ BOG và kiểm tra giám sát đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu không thực hiện kết chuyển nguồn tiền về tài khoản Quỹ BOG mà để lại trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Tổng số tiền không kết chuyển đúng thời điểm là trên 7.927 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ đầu 2017 đến cuối tháng 12/2021, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mở tài khoản Quỹ BOG đã không gửi sao kê về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương theo quy định, dẫn tới cơ quan quản lý không nắm được về số dư đầu kỳ, số trích lập dự phòng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG.
Thời gian qua cơ quan quản lý thị trường đã thực hiện 170 cuộc thanh tra và 18.400 cuộc kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước
Đối với việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường, theo Thanh tra Chính phủ, do Thông tư 152/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa có những quy định cụ thể thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường đối với một số trường hợp, dẫn tới một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính thiếu sắc thuế này. Đơn cử chỉ trong năm 2019 đã có khoảng hơn 4.900 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường bị kê khai thiếu.
Cũng liên quan đến thuế bảo vệ môi trường, Thanh tra Chính phủ cho rằng, do Tổng cục Thuế chưa tích cực trong việc thanh tra, giám sát hoạt động nộp thuế của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dẫn tới tình trạng hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế bảo vệ mội trường bị nợ đọng.
Cụ thể, đến 31/10/2022, cả nước có khoảng trên 6.323,9 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường bị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nợ đọng. Trong đó, riêng CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức số tiền nợ thuế đã đạt mức 3.287,6 tỷ đồng.
Ngoài các vi phạm như kể trên, theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua hoạt động quản lý, kinh doanh xăng dầu cũng tồn tại hàng loạt những bất cập và vi phạm khác.
Theo đó, tình trạng lợi dụng những kẽ hở pháp lý của Thông tư 38/2014/TT-BCT để mua đi bán lại xăng dầu diễn ra phổ biến. Qua thanh tra, trong 5 năm (2017-2021) một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã hưởng số tiền chiết khấu, chênh lệch mua đi bán lại hơn 9.770 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc Bộ Công Thương không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể theo tháng và theo quý đối với hoạt động nhập khẩu xăng dầu đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu không hoàn thành hạn mức nhập khẩu. Qua thống kê, trong 5 năm (2017-2021) có 48 lượt đơn vị không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu theo chỉ tiêu giao của Bộ Công Thương.
Để xử lý và khắc phục những sai phạm, bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với các vụ việc xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thủy Hải Hà. Các hành vi sai phạm của nhóm DN này bao gồm vi phạm trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường và sử dụng sai Quỹ BOG.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị chuyển thông tin, tài liệu sang Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong góp vốn thành lập CTCP Hóa dầu Phước Khánh, phát hiện thông qua việc thu thập thông tin, tài liệu tại Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.
Ngoài ra, đối với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung nhiều văn bản pháp lý từ cấp Nghị định đến Thông tư và văn bản hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực quản lý, kinh doanh xăng dầu. Trong đó, bao gồm các đề nghị sửa đổi, bổ sung các Nghị định 83/2014/ND-CP và Nghị định số 95/2021 liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này.