Tiếng chuông lớn đã vang lên một lần kể từ ngày 15/4 năm 2019, khi ngọn lửa bùng phát đã thiêu rụi một ngọn tháp cùng mái nhà của công trình 850 tuổi.
Lần này, tiếng chuông đã vang lên vào lúc 8 giờ tối (giờ địa phương), trùng với thời điểm người dân Paris vỗ tay từ cửa sổ và ban công để tri ân các nhân viên y tế đang mạo hiểm mạng sống của họ để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Dù bị ngọn lửa tàn phá nghiêm trọng, nhưng tháp chuông phía nam của nhà thờ - nơi đặt chiếc chuông nặng 13 tấn, vốn được đúc vào năm 1681 và lớn thứ hai ở Pháp, đã không bị hủy hoại về mặt cấu trúc.
Theo truyền thống, tiếng chuông tại nhà thờ Notre-Dame sẽ chỉ vang lên vào dịp lễ kỷ niệm tôn giáo lớn, các chuyến viếng thăm của Giáo hoàng và đám tang Tổng thống.
"Sự phục hồi của nhà thờ Notre-Dame là một biểu tượng cho sự kiên cường của nhân dân Pháp về khả năng vượt qua khó khăn và phục hồi", Tổng thống Emmanuel Macron cho biết.
Mười hai tháng trước, người dân Paris đã xếp hàng dọc bờ sông Seine, một số nắm tay nhau, những người khác hát thánh ca và thắp nến, khi ngọn lửa tàn phá một biểu tượng hàng thế kỷ của thành phố.
Tổng thống Macron nhắc lại một lời hứa sẽ xây dựng lại nhà thờ Notre-Dame trong vòng 5 năm, mặc dù tiến độ xây dựng đang bị chậm lại hàng tháng, do tình hình thời tiết vào mùa đông và dịch bệnh bùng phát.
"Mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị mở cửa nhà thờ cho công chúng vào ngày 16/4 năm 2024", theo ông Jean-Louis Georgelin, người đứng đầu dự án tu sửa nhà thờ. "Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ kết thúc".