Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến thời điểm ngày cuối cùng của năm 2015 đã giải ngân 17.711 tỷ đồng với tổng số tiền cam kết là 26.999 tỷ đồng, đạt 90% tổng số vốn.
Trả lời về vấn đề này trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM giải đáp các vướng mắc và cách thực hiện đúng pháp luật.
Ông Minh cho biết, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể nào khi thực hiện cho vay thế chấp nên nhiều văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch đảm bảo đối với việc nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai.
Ảnh minh họa
Vừa qua, nhiều ngân hàng thương mai tạm thời ngừng nhận thế chấp nhưng chỉ áp dụng với một loại tài sản như nhà ở của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sở dụng hợp pháp của mình, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền tài sản liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai… Việc tạm ngừng này nhằm đảm bảo cho các ngân hàng vừa tuân thủ quy định pháp luật, tránh rủi ro pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, ngày 21/1, đại diện ngân hàng BIDV nói với VnEconomy rằng, hiện BIDV vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng tiếp nhận và giải quyết cho vay cầu nhà ở, vẫn triển khai cho vay và nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN.
Ngay NHNN cũng không nhận được báo cáo nào về việc các ngân hàng thương mại dừng cho vay gói 30.000 tỷ này. Bởi vậy, những ngân hàng tạm dừng cho vay thế chấp có thể sang năm 2016 sẽ tiếp tục thực hiện cho vay bình thường.
Theo quy định của pháp luật về nhà ở và các văn bản hướng dẫn hiện hành, việc nhận thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99, các trường hợp nhận thế chấp không đúng với quy định trên thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận.
P.V