Hướng đi đúng…
Tại cuộc tổng kết thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận giữa tháng 12 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh yêu cầu: Làm sao phải tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm trở thành điểm đến văn hóa, tinh thần, nhất là tuyệt đối không được thương mại hóa các hoạt động xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Trước đó, việc thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận bắt đầu từ 1/9, và ban đầu dự kiến kéo dài đến hết năm 2016. Việc tổ chức không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm ban đầu đã vấp phải phản ứng của một số người dân quanh vùng nhưng theo ông Nguyễn Đức Chung, không gian phố đi bộ “đến giờ là hướng đi đúng” và “đang được tổ chức tốt”.
Thời gian qua, lượng khách trong và ngoài nước, nhân dân Thủ đô đến tham quan và tham gia các hoạt động quanh Hồ Hoàn Kiếm rất đông. Trung bình ban ngày lưu lượng khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người. Lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú tăng nhanh (trong 11 tháng đầu năm lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú khoảng gần 1,4 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2015... Sau 4 tháng thí điểm, Hà Nội đã kiểm tra xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, cụ thể như: 115 lượt điểm trông giữ phương tiện trái phép và thu quá giá quy định; 275 trường hợp bán hàng rong; 2 trường hợp câu cá ở Hồ Hoàn Kiếm; nhắc nhở 359 trường hợp dắt chó không rọ mõm; có 53 trường hợp trẻ bị lạc…
Để khắc phục tình trạng bán hàng rong bừa bãi, TP sẽ tổ chức nhiều hơn mô hình bán hàng, cung cấp dịch vụ cho người dân như: máy bán hàng tự động, bố trí quầy hàng di động bán hoa, sách, bánh ngọt, kẹo, bánh mỳ, nước giải khát... theo hình thức một toa xe kéo đẹp mắt và bố trí thêm các cây nước uống tự động. Tại các tuyến phố lân cận như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, TP dự kiến sẽ cấm đỗ xe hai bên lòng đường vào những ngày cuối tuần, sắp xếp lại vỉa hè để tạo sự thông thoáng cho người dân lưu thông. Với 83 điểm trông giữ xe hiện nay cũng sẽ được khảo sát để giãn rộng một số điểm và chấm dứt tình trạng thu vé cao hơn so với quy định.
Đặc biệt, thời gian tới, Ban chỉ đạo tổ chức thí điểm phố đi bộ kiến nghị thử nghiệm quản lý an ninh trật tự bằng các công cụ giám sát hình ảnh (camera), kết hợp với các thử nghiệm tự động hóa khác để điều tiết các hoạt động và chất lượng dịch vụ; khuyến khích các hoạt động xã hội hóa có chất lượng tham gia; nghiên cứu thay đổi hàng rào an ninh (barie) thành các hàng rào bằng hoa hoặc thiết kế bằng các chất liệu khác đảm bảo hài hòa, có tính nghệ thuật phù hợp với cảnh quan và không gian văn hoá… Tất cả mọi công tác tổ chức đều nỗ lực mang đến cho người dân không gian văn hóa văn minh, văn hiến, giàu bản sắc người Tràng An.
Phố đi bộ - phố lễ hội
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, thành phố sẽ đưa lễ hội hoa vào phố đi bộ. Những lễ hội hoa, lễ hội âm nhạc… sẽ trở thành điểm nhấn cho phố đi bộ và được tổ chức hàng năm, vào khung thời gian cố định.
Ngày 31/12 tới, Hà Giang là đơn vị đầu tiên tổ chức các con đường hoa tam giác mạch tại không gian đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm. Giới văn nghệ sĩ, họa sĩ các tỉnh, thành phố trong nước cũng được tạo điều kiện để trưng bày tác phẩm của mình trên vỉa hè hoặc khu vực nhất định. Từ ngày 18-21/3/2017, phố đi bộ sẽ tổ chức lễ hội hoa Anh đào. Đây sẽ là chương trình thường niên diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Không những thế, thành phố Hà Nội cũng sẽ ký kết mời dàn nhạc giao hưởng đến từ nước Anh biểu diễn ngoài trời thường niên trong 5 năm liên tiếp tại khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, các tỉnh phía Bắc, miền Trung, miền Nam Tây Nguyên sẽ được mời để đưa văn hoá vùng miền của mình đến trưng bày, biểu diễn.
Tất cả những hoạt động lễ hội, văn hoá, văn nghệ này sẽ được lên lịch hàng năm, được thông báo công khai và rộng rãi để người dân, du khách nắm bắt và có kế hoạch tham dự .
Tại một số điểm quanh Hồ Gươm, TP dự kiến bố trí một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để chụp ảnh miễn phí cho du khách; các điểm phát wifi miễn phí cũng sẽ được nâng cấp để phục vụ người dân tốt hơn.
Trong thời gian tiếp tục thí điểm đến tháng 6/2017, không gian đi bộ sẽ được tổ chức vào cuối tuần và các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn. Riêng Tết Âm lịch 2017, do thời gian nghỉ dài, người dân về quê ăn tết nhiều nên đường phố vắng, Hà Nội sẽ không tổ chức phố đi bộ.