Douyin - ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc, cho biết 6 loại nội dung bao gồm “phô trương sự giàu có” hiện bị cấm trên nền tảng này vì chúng quảng bá “các giá trị không lành mạnh”.
Các nội dung được Douyin xác định cũng bao gồm quảng bá sự sùng bái tiền bạc, sử dụng trẻ vị thành niên trong các video liên quan đến các sản phẩm xa xỉ và “thể hiện địa vị xã hội của một người theo cách không phù hợp”, bao gồm cả “chế giễu người nghèo”.
Bịa đặt các câu chuyện, chẳng hạn như từ rách rưới đến giàu có hoặc vừa đi du học về, để tiếp thị sản phẩm hoặc lừa đảo người dùng tạo thành một danh mục bị cấm khác.
Ví dụ, các tài khoản đăng tải những đoạn video có nội dung như ném một lượng lớn tiền mặt vào không khí sẽ bị xóa hoàn toàn.
Mục đích của lệnh cấm là thúc đẩy thói quen “chi tiêu hợp lý” và “lối sống văn minh”, cũng như xây dựng một cộng đồng lành mạnh hơn trên Douyin.
Người phát ngôn của Douyin cho rằng việc phô trương sự giàu có “làm ô nhiễm bầu không khí xã hội trên nền tảng này và đặc biệt có hại cho tinh thần và thể chất của trẻ vị thành niên”
Kể từ đầu năm nay, gần 4.000 tài khoản chia sẻ nội dung liên quan đến 6 danh mục trên đã bị xóa bỏ.
Trong một bài viết trên mạng xã hội WeChat, một tài khoản công khai có tên Blue Whale Finance đã lập luận rằng các video phô trương sự giàu có tồn tại vì chúng tạo ra lượt xem và giúp quảng bá sản phẩm.
Bài viết đã đưa ra một số ví dụ về các tài khoản Douyin - bao gồm một số tài khoản có hàng triệu người theo dõi, đã vi phạm các quy định mới. Một trong những tài khoản như vậy là một công ty trang điểm có video ghi lại câu chuyện khó xảy ra về hành trình từ nghèo khó đến thịnh vượng của người doanh nhân trẻ tuổi.
Video có hơn 10.000 lượt thích cho thấy nhân vật làm việc trên một công trường xây dựng, khuôn mặt nhuốm màu bụi bẩn, sau đó chuyển sang lối sống xa hoa trên thảm đỏ. Tài khoản này có gần 2 triệu người theo dõi và đã bán được khoảng 5.000 sản phẩm làm đẹp.
Ding Yanguang, người sáng tạo nội dung toàn thời gian trên Douyin và ứng dụng video ngắn Kuaishou, không đồng ý rằng nội dung phô trương sự giàu có chỉ nhằm mục đích câu kéo tương tác. Thay vào đó, Ding tin rằng vì các nền tảng mạng xã hội có hàng trăm triệu người dùng, nên có khán giả cho bất kỳ loại nội dung nào.
Khoe khoang sự giàu có trên mạng đã là một hiện tượng ở Trung Quốc kể từ những năm 2000, khi các nền tảng blog còn thịnh hành.
Những người nổi tiếng thường phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cách phô trương của họ. Wang Sicong, tỷ phú thừa kế của một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, từng chia sẻ ảnh của 8 chiếc iPhone mà anh mua cho chó cưng của mình.
Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng điều chỉnh xu hướng này trong suốt thời gian qua. Việc phô trương sự giàu có trên các chương trình truyền hình đã bị chỉ trích ngay từ năm 2011.
Các nhà chức trách nước này cho rằng chính những bộ phim truyền hình tôn vinh sự giàu có có một phần nguyên nhân khiến chính phủ phải ban hành luật điều chỉnh các nội dung âm thanh và hình ảnh cho trẻ em.