Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo, đại diện của 63 tỉnh thành phố; đại sứ, đại biện các quốc gia tại Việt Nam; đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” chiều 26/4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những thành tựu nổi bật trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua, đồng thời cũng đề cập tới một số hạn chế cần khắc phục và giải pháp của Chính phủ thời gian tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại sự kiện |
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam vừa kết thúc Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, đồng thời vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió.
Dù vậy, 2020 vẫn được xem là năm thành công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 với mức tăng trưởng dương 2,91%. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhanh nhất thế giới - tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Trong đó, một số hạn chế phải kể đến là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Cùng với đó là vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
Cũng tại sự kiện nêu trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu đánh giá cao vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI là rất đáng trân trọng, song thực tế cho thấy việc thu hút, quản lý đầu tư FDI ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế.
Đó là, đầu tư FDI gắn với công nghệ cao còn ít; liên kết với các khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ còn hạn chế. Nhiều dự án FDI có hiệu quả thấp, thiếu bền vững, chưa tuân thủ nghiêm túc các chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính, lao động, công nghệ, môi trường...
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thu hút FDI, nhất là tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao, sản xuất thông minh...
Thông qua Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển năm 2021, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hy vọng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.
Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu, tầm nhìn phát triển đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện |
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Việt Nam phải tăng trưởng nhanh và bền vững, liên tục với tốc độ 6,5-7%/năm trong 10-20 năm tới. "Muốn vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, trong đó vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thành tựu về thu hút FDI trong 35 năm qua là những bài học quý báu, cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế của riêng mình là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục vươn lên.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang ẩn chứa nhiều cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, sự hủy diệt hay tái thiết đều sinh mới sẽ có thể mở thêm những cơ hội phi thường, bên cạnh thách thức lớn lao và tin tưởng thành công sẽ đến với các chủ thể bản lĩnh, hiểu biết và chủ động thích ứng với bối cảnh.
Các khu vực kinh tế của Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước định hình rất rõ ràng về vai trò và sứ mệnh đóng góp. Trên cơ sở chủ trương định hướng và nền tảng pháp lý hiện hành, khu vực kinh tế FDI, cộng đồng doanh FDI có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để cùng hoạt động hiệu quả và đóng góp vì sự phát triển các địa phương và nền kinh tế Việt Nam.