Số người chết: 64 người (tăng 04 người so với ngày 16/10), cụ thể: Quảng Bình 02 người; Quảng Trị 17 người (tăng 01 người); Huế 25 người (tăng 03 người); Quảng Nam 11 người; Đà Nẵng 03 người; Quảng Ngãi 01 người; Gia Lai 01 người, Đắc Lắk 01 người; Lâm Đồng 01 người; Kon Tum 02 người.(Tại Huế cập nhật tình hình công nhân tại Rào Trăng 3: 02 người chết và 15 người mất tích).
Số người mất tích: 05 người, tăng 01 người, cụ thể: Nghệ An 01 người (tăng 01 người); Quảng Trị 02 người; Đà Nẵng 01 người, Gia Lai 01 người.
Tình hình ngập lụt tại Quảng Trị
Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông.
Đã có 84/124 xã bị ngập (lớn nhất tại: Hải Lăng 16/18 xã, Triệu Phong 16/18 xã; Thị xã Quảng Trị 5/5 xã). Tổng số hộ bị ngập: 45.927 hộ/130.701 người.
Đã sơ tán: 8.694 hộ/26.446 người (tại chỗ và tập trung) .
Theo dự báo, khu vực này tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu trở lại và mất an toàn các hồ đập, nhất là hồ đập nhỏ, xung yếu.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Điện của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.