Tuy nhiên, gần như không có bất kỳ nhà hoạt động dân chủ nào bị bắt kể từ cuộc chính biến ngày 1/2 nằm trong số tù nhân được trả tự do.
Trao đổi với hãng tin Reuters qua điện thoại, ông Tun Oo nói: "Những người bị bắt giữ này chủ yếu từ trước ngày 1/2, cũng có một số bị bỏ tù sau đó".
Khi được hỏi liệu có ai trong số những người được thả liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối sự cầm quyền của quân đội hay không, người phát ngôn này nói ông không có thông tin chi tiết về lệnh ân xá cho những người đó.
Theo số liệu thống kê của nhóm các nhà hoạt động mang tên Hiệp hội Hỗ trợ các Tù nhân chính trị (AAPP), nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar Suu Kyi nằm trong số 3.141 người bị bắt liên quan đến cuộc chính biến.
Trước đó, ngày 16/4, những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Chính phủ nói trên gồm các nghị sỹ bị lật đổ, thành viên của các nhóm sắc tộc và những nhân vật trong cuộc biểu tình phản đối chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
Thông tin trên đã được đưa ra trong một thông báo bằng video được công bố trên kênh truyền hình Public Voice Television.
Cập nhật mới nhất về tình hình Myanmar, ngày 17/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho biết Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar sẽ tham dự hội nghị cấp cao Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 24/4 tới.
Ông Tanee Sangrat cho hay, một số nhà lãnh đạo trong ASEAN, trong đó có Myanmar, đã xác nhận sự tham dự của họ tại cuộc gặp ở Jakarta. Các nước láng giềng của Myanmar đã nỗ lực khuyến khích các cuộc đàm phán giữa các bên đối đầu ở Myanmar nhằm giải quyết tình trạng hỗn loạn sau cuộc chính biến ngày 1/2 tại quốc gia này.