Hàng trăm dân thường, bao gồm ít nhất 44 trẻ em (tính đến ngày 31 tháng 3) đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp trên khắp đất nước, bao gồm cả một bé gái 7 tuổi, bị bắn khi đang ở trong nhà của mình. Vô số người khác đã bị thương nặng, kể từ cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2/2021.
“Chúng tôi kêu gọi Tatmadaw [quân đội Myanmar] ngăn chặn bạo lực lan rộng đối với trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào…”, bà Virginia Gamba, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về Trẻ em và Xung đột Vũ trang, và Tiến sĩ Najat Maalla M'jid, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về Bạo hành trẻ em, cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm (1/4/2021).
Tuyên bố này kêu gọi quân đội ngừng việc giam giữ trẻ em, hành động bị nghiêm cấm và được nêu rõ trong Công ước về Quyền trẻ em, trong bối cảnh có báo cáo rằng hơn 900 trẻ em và thanh thiếu niên đã bị giam giữ tùy tiện trong suốt cuộc khủng hoảng. Tuyên bố nhấn mạnh, trong khi một số đã được trả tự do, số khác vẫn bị giam giữ mà không được tiếp cận với cố vấn pháp lý.
'Mối quan tâm sâu sắc' về những ảnh hưởng lâu dài
Bà Gamba và Tiến sĩ M’jid lo ngại những ảnh hưởng lâu dài của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar đối với thể chất và tinh thần của trẻ: “Tình trạng bạo lực trên diện rộng tiếp diễn sẽ càng góp phần gây ra sự bất hạnh cho trẻ em, thậm chí có thể ảnh hưởng suốt đời đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các em.”
Hai Đại diện Đặc biệt cũng lên án việc quân đội chiếm dụng các cơ sở giáo dục và y tế cũng như các cuộc tấn công trên diện rộng nhắm vào các trường học, bệnh viện và đội ngũ nhân viên, có thể khiến dân thường không được tiếp cận các biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
Đã có ít nhất 35 vụ bắt giữ và bạo lực đối với đội ngũ giáo viên và nhân viên y tế, cũng như 120 vụ việc quân đội sử dụng các cơ sở giáo dục và y tế.
Cần đảm bảo tôn trọng quyền con người
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến xấu đi nhanh chóng ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực nhằm vào những người biểu tình ôn hòa, dẫn đến cái chết của hàng trăm thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Theo đại diện Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4, các quốc gia thành viên đã nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar thực hiện kiềm chế tối đa, tôn trọng đầy đủ các quyền con người, theo đuổi đối thoại và hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.
Hội đồng Bảo An cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Các thành viên Hội đồng đã thống nhất ghi nhận và thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng thư ký vào ngày 27 tháng 3 năm 2021 về một phản ứng kiên quyết và thống nhất từ cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ tích cực nắm bắt vấn đề.